Bầu Chủ tịch nước, tuyên thệ nhậm chức trong ngày 23/10

Vân Du 16/10/2018 15:50

“Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm”.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như vậy khi trình bày báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp 28 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/10.

Theo chương trình dự kiến, chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Sau khi thảo luận tại Đoàn, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước và bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước vào ngày 23/10. Ngay sau khi kết quả được công bố, tân Chủ tịch nước sẽ thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức theo quy định của Hiến pháp.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước: Thời điểm chín muồi và hợp lòng dân

    11:30, 11/10/2018

  • Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước: Hợp ý Đảng, lòng dân

    17:48, 06/10/2018

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu làm Chủ tịch nước

    18:50, 03/10/2018

  • Trung ương sẽ xem xét việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước

    11:34, 28/09/2018

Vẫn theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong hai ngày này, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và phê chuẩn bổ nhiệm người giữ chức Bộ trưởng thay ông Tuấn.

Trong kỳ họp thứ 6 cũng bổ sung vào chương trình nội dung xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13/11. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Tại Kỳ họp này chưa bổ sung Báo cáo việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội do thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết ngắn (3 tháng), nên chưa có nhiều thông tin để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Từ kỳ họp tháng 10/2019 sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung này.

“Chính phủ đề nghị bổ sung các báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) giai đoạn 1; đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

Về dự án Luật Hành chính công, tại phiên họp trù bị, sẽ báo cáo Quốc hội về việc không tiếp tục xây dựng dự án Luật này”. – ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin thêm.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 này là 24 ngày, bắt đầu từ 22/10, kết thúc vào ngày 21/11/2018.

Tại hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Trung ương đã giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, quê quán Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Ông là cử nhân khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp (cũ), tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng), học hàm giáo sư.

Ông là Ủy viên Trung ương các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001); đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII.

Ông từng đảm nhận các chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng; Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch Quốc hội.

Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tháng 1.2011, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, ông tái đắc cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 27/1/ 2016.

Vân Du