Đề nghị Chính phủ rà soát các khoản nợ ngân sách Nhà nước
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ số liệu các khoản nợ của NSNN và xây dựng phương án thanh toán đối với các khoản nợ đọng đến hạn phải trả.
Cụ thể, đối với nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), nợ 2 ngân hàng chính sách, nợ thanh toán các dự án BT theo cam kết hợp đồng đến hạn phải trả, Ủy ban đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ số liệu các khoản nợ của NSNN và xây dựng phương án thanh toán nợ cụ thể, bố trí vốn thanh toán theo đúng chủ trương và kế hoạch đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Tăng lương chưa có lộ trình tạo áp lực lớn cho ngân sách
11:00, 16/10/2018
Vì sao thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững?
16:13, 15/10/2018
Giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020
21:00, 12/10/2018
Làm sao để có ngân sách sáng tạo phù hợp?
10:35, 26/09/2018
Theo báo cáo Thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2019; Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc phân bổ NSTW năm 2019.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh một số nguyên tắc. Theo đó, Phân bổ NSTW phải bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn NSNN; bám sát các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Bố trí ngân sách, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp khác có nguồn gốc từ NSNN để bảo đảm các mức chi cho giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội. Bố trí tăng ở mức hợp lý cho y tế, văn hóa thông tin, hoạt động đối ngoại, công tác hoàn thiện thể chế và phổ biến pháp luật.
Đồng thời, bố trí ngân sách để trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn. Bố trí nguồn lực đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, dành nguồn dự phòng theo quy định để chủ động xử lý các tình huống đột xuất, cấp bách như thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tăng dự trữ quốc gia, quốc phòng-an ninh.
Bên cạnh đó, Ủy ban TCNS đề nghị phải bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và bảo đảm việc phân bổ hết số kinh phí thường xuyên, vốn đầu tư phát triển được giao đúng thời hạn, hạn chế tối đa số chuyển nguồn sang năm sau.
Về phương án phân bổ cụ thể, bao gồm phân bổ chi đầu tư phát triển và phân bổ chi thường xuyên.
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, về tổng thể, dự kiến phương án phân bổ vốn đầu tư năm 2019 đã bám sát các nguyên tắc và định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, đã bố trí vốn tập trung hơn, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bố trí thanh toán nợ đọng XDCB, các dự án chuyển tiếp.
Về thứ tự ưu tiên phân bổ vốn, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị cân nhắc cần bố trí nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cao hơn cho các tỉnh khó khăn, bị thiệt hại nặng nề về thiên tai trong năm 2018 và các tỉnh khó khăn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.
Còn về nợ đọng XDCB, nợ 2 ngân hàng chính sách, nợ thanh toán các dự án BT theo cam kết hợp đồng đến hạn phải trả, Ủy ban đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ số liệu các khoản nợ của NSNN và xây dựng phương án thanh toán nợ cụ thể, bố trí vốn thanh toán theo đúng chủ trương và kế hoạch đề ra.
Về các chương trình MTQG, Chính phủ dự kiến phân bổ vốn năm 2019 đối với hai CTMTQG là 24.169 tỷ, Ủy ban TCNS cho rằng, đây là mức dự toán tích cực hơn so với năm 2018 , nhưng vẫn thấp so với số vốn dự kiến phải bố trí trong 2 năm 2019-2020. Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị cân nhắc bố trí nguồn lực năm 2019 cao hơn mức dự kiến để đạt được mục tiêu đề ra đối với 2 CTMTQG theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đối với phân bổ chi thường xuyên, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề thẩm quyền phân bổ, sử dụng các khoản "Chi lĩnh vực của NSTW chưa phân bổ": thực chất đây là các khoản bố trí thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ bố trí dự toán trong các lĩnh vực chi NSTW năm 2019 nhưng tại thời điểm xây dựng báo cáo phân bổ NSTW chưa có đủ cơ sở pháp lý để giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương.
Để việc điều hành NSNN được chủ động nhưng vẫn đảm bảo kỷ luật tài chính, nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị khoản kinh phí chưa phân bổ cụ thể nêu trên chỉ dành bố trí cho các chế độ, chính sách đã ban hành, không bố trí đối với các nhiệm vụ chưa có đầy đủ căn cứ theo quy định.