Bộ trưởng Bộ Công thương: Đến 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả
Về 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng khẳng định đã có đề án với lộ trình cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý.
Tiếp tục ngày làm việc hôm qua, sáng nay (27/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch năm 2019.
Kết thúc ngày làm việc hôm qua, đã có 44 đại biểu nêu ý kiến, 2 đại biểu tranh luận và 2 Bộ trưởng tham gia giải trình. Trong sáng nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ tham gia giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.
Tham gia giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết về tái cơ cấu các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã rất tích cực thực hiện, có những đề án và nhiệm vụ lớn.
Trong 2 lĩnh vực công thương đã duy trì được tăng trưởng. Cơ cấu của công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nền tảng của nền kinh tế. Năm 2016 tăng 11,9%, 2017, 14,4%, 9 tháng đầu năm là 13%. Cơ cấu trong hàng xuất khẩu đã tăng lên trên 80% vào 9 tháng đầu năm. Ngoài điện thoại thông minh, các lĩnh vực như chế biến thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện ôtô cũng tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương báo cáo phương án xử lý 12 dự án thua lỗ
15:18, 11/07/2018
Bộ Công thương xin rút thép Việt - Trung khỏi 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ
18:30, 02/06/2018
Tăng trưởng của công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng thương mại. Dệt may đứng thứ 7, thủy sản thứ 4, điện thoại thông minh đứng thứ 12, đồ gỗ đứng thứ 5, chúng ta đứng thứ 27 trong số những nước xuất khẩu nhiều nhất.
Đã có nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu. Năm 2017-2018 cũng chứng kiến sự tăng rưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã tăng 17%, năm ngoái là 11%, trong khi năm 2018, khói FDI chỉ tăng 15%. Điều này cho thấy đó là sự chuyển dịch tích cực.
Bộ trưởng cho biết, trên thế giới không có thị trường nào dễ tính cả, họ có nhiều rào cản kỹ thuật, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.
“Tôi cũng tán đồng các ý kiến của các đại biểu, chúng ta còn nhiều nguy cơ và hệ lụy từ chiến tranh thương mại. Các bộ ngành thường có nghiên cứu và báo cáo chính phủ thường xuyên về vấn đề này. Chính phủ cũng chỉ đạo để xem xét những nguy cơ và hạn chế nó, hoặc phát huy những lợi ích có thể đem lại” – Bộ trưởng nói.
Về 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng khẳng định đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý. Các dự án này cần được xử lý trong khung khổ luật pháp, theo đúng nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Các Bộ ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc này, đến nay, tiến độ đến nay cơ bản đạt một số kết quả tích cực. Sáu dự án dừng kinh doanh thì đã có 2 dự án, nhà máy bước đầu hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. Bốn dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ.
Hai dự án liên quan tới nhiên liệu sinh học cũng đã có những chuyển biến cụ thể. Các dự án khác như Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam... có nhiều vấn đề phức tạp như công nghệ, thậm chí vi phạm pháp luật, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý rất đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật...