Ưu tiên tập trung vốn cho công trình trọng điểm, có sức lan tỏa

Hồng Hương 29/10/2018 09:24

"Mong muốn của các địa phương là chính đáng, cần thiết, nhưng nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung đầu tư dự án chứ không dàn trải" - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nói.

Sáng nay (29/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước và đầu tư công. Cụ thể, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Quốc hội cũng thảo luận về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Tham luận về đầu tư công trung hạn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khẳng định việc đổi mới là cần thiết, đúng đắn và những nỗ lực của Chính phủ về vấn đề này trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, khi thực tế đầu tư công vẫn còn việc đầu tư dàn trải (tổng múc đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9620 dự án), dẫn  tới nhiều dự án vẫn còn dở dang, thiếu vốn, không ở đâu mỗi tỉnh có một dự án... 

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)

Đại biểu cho rằng cần ưu tiên tập trung vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có khả năng lan tỏa vùng, miền, tránh đầu tư dàn trải, cào bằng...

Đại biểu Mai chia sẻ kinh nghiệm của các nước thì họ chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, không ở đâu mỗi tỉnh có một dự án. Ví dụ ở Australia, năm 2018 kế hoạch đầu tư công trung hạn tập trung vào 4 dự án lớn trong đó là dự án sân bay.

“Còn ở Việt Nam, chúng ta làm phép chia một cách khoa học là lấy tổng số vốn chia cho tổng số các dự án được triển khai thì thấy rằng mong muốn được có các dự án quy mô lớn sẽ rất là khó khăn” - đại biểu nêu quan điểm.

Do đó, theo vị đại biểu thì “Qua giám sát thực tế tại các địa phương và qua lắng nghe ý kiến của các đại biểu tại hội trường trong mấy ngày qua tôi cảm nhận được rằng mong muốn của các địa phương là hoàn toàn chính đáng, nhu cầu là cần thiết, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn như hiện nay thì chúng ta cần tránh đầu tư dàn trải”.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề nghị triển khai cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập

    09:17, 29/10/2018

  • Đại biểu Quốc hội lý giải vì sao chi thường xuyên lớn

    09:15, 27/10/2018

  • Đại biểu Quốc hội lo tín dụng đen hoành hành bủa vây dân nghèo

    10:55, 26/10/2018

  • Đại biểu Quốc hội thảo luận hàng loạt vấn đề “nóng” của đất nước

    09:45, 26/10/2018

Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng; đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu tỷ trọng thu ngân sách từ thuế và phí đang giảm dần. Năm 2016 đạt 20,4%; năm 2017 đạt 20,2%; năm 2018 đạt 20,7% và dự kiến năm 2019 đạt 20%. Như vậy mục tiêu tỷ lệ thu từ thuế và phí giảm dần và khó đạt được mục tiêu của 5 năm 2016-2020. Ông đề nghị làm rõ nguyên nhân và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu.

Trong 3 năm qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đều không đạt dự toán và nghị quyết của Quốc hội. Năm 2016 đạt 84%; năm 2017 là 81,7% và năm 2018 dự kiến đạt 88,12. Trong khi đó giải ngân vốn trái phiếu của Chính phủ cũng rất thấp, trung bình chỉ trên 40%. Việc giao kế hoạch chậm và giải ngân chậm gây giảm hiệu quả đầu tư.

Ông kiến nghị phân tích nguyên nhân chậm giao kế hoạch, giải ngân chậm, xem xét lại các quy định để sửa đổi cho phù hợp tình hình hiện nay.

Được biết, trước đó, trong hai ngày 26-27/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trong 2 ngày đã có 88 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu tham gia tranh luận. Các Bộ trưởng Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Nông nghiệp và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nội dung thảo luận rộng, toàn diện, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính phản biện khá cao. Những ý kiến đóng góp sẽ được Ủy ban Thường vụ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện nghị quyết trình Quốc hội.

Hồng Hương