Nghịch cảnh trong đầu tư công vẫn xảy ra

Nguyễn Việt 29/10/2018 10:13

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường đó là đầu tư dàn trải, có những dự án cần tiền thì không được đầu tư, dự án được đầu tư thì lại không có khả năng giải ngân.

ĐBQH Hoàng Văn Cường.

ĐBQH Hoàng Văn Cường.

Phát biểu tại hội trường sáng 29/10 về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần vốn thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 năm qua lại có xu hướng chậm dần đều, mặc dù Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã nhiều lần họp chỉ đạo quyết liệt và ra nhiều văn bản nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Ưu tiên tập trung vốn cho công trình trọng điểm, có sức lan tỏa

    09:24, 29/10/2018

  • Đề nghị triển khai cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập

    09:17, 29/10/2018

 ĐB Hoàng Văn Cường thấy có 2 vấn đề cơ bản cần làm sớm. Thứ nhất, chúng ta chưa có tiêu chí lựa chọn các dự án đưa vào đầu tư và phân bổ đầu tư chưa rõ ràng. Mới chỉ dừng lại ở các nguyên tắc để xác định lĩnh vực nào được ưu tiên nhưng chưa có tiêu chí phân loại xem dự án nào được đưa vào lĩnh vực ưu tiên đó và dự án nào sẽ được ưu tiên lựa chọn xếp hạng trong việc lựa chọn đưa vào danh mục đầu tư công cũng như phân bổ vốn đầu tư.

Ông Cường đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai những tiêu chí đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn những dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư. "Nếu chúng ta có được tiêu chí này thì sẽ không còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư tràn lan, phân bổ vốn đầu tư cho các dự án không có khả năng giải ngân.Và chắc cũng không còn tình trạng tranh luận như thời gian vừa qua là nên xây dựng nhà hát hay làm trường học, bệnh viện tại Thủ thiêm" - ông nói.

Thứ hai, nguyên nhân làm cho tiến độ giải ngân chậm là do các quy định về quy trình thủ tục triển khai các dự án đầu tư công rất phức tạp. Theo quy định hiện hành, các khâu chuẩn bị triển khai dự án phải xin ý kiến của rất nhiều các cơ quan, ban ngành có liên quan, hay phải có những cơ quan lập dự án, cơ quan thẩm định, co quan giám sát là những cơ quan độc lập.

Tuy nhiên, trên thực tế thường có tình trạng tất cả những đơn vị tham gia vào lập dự án đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, giám sát vốn đầu tư thực chất cũng chỉ là một người, khác nhau chỉ ở tên gọi, giám đốc đứng tên. Đây cũng là lý do cho thấy có nhiều doanh nghiệp được hình thành nhưng sau đó không đưa vào hoạt động hoặc sau một thời gian lại giải thể để xóa đi “vết tích”.

Với cách quy định này thì chỉ làm mất thêm thời gian, giấy tờ để hợp pháp hóa cho những việc làm theo đúng quy trình mà không ai phải chịu trách nhiệm khi xảy ra thất thoát.

“Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần quy định rõ và đơn giản hóa quy trình quản lý các thủ tục triển khai các dự án đầu tư. Quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư phải  chịu trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát, lãng phí” - ông Cường nói. 

Nguyễn Việt