Cần các Tư lệnh ngành có trách nhiệm
Kết thúc ngày thứ nhất Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn, bên hành lang Quốc hội các Đại biểu đã chia sẻ về nhiều vấn đề được Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng trả lời chất vấn là thực hiện lời hứa trước Đại biểu và cử tri
Theo ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), phiên chất vấn là sự cải tiến đổi mới trong hoạt động nghị trường của Quốc hội. Trong không khí dân chủ và thẳng thắn các đại biểu đã chọn lựa những câu hỏi ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề, đây đều là những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận và xã hội, những vấn đề tồn đọng mà các Bộ, ngành đang còn vướng mắc cũng như chưa giải quyết kịp thời cho đến thời điểm này.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội nói gì về các phiên chất vấn và trả lời chất vấn?
08:00, 30/10/2018
Những điểm mới trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XIV
04:38, 30/10/2018
Chất vấn giúp các vấn đề bị “lãng quên” tiếp tục được xem xét giải quyết
05:30, 29/10/2018
Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện lời hứa của thành viên Chính phủ trong tuần tới
07:27, 28/10/2018
Việc trả lời chất vấn thực chất đó là những lời hứa cũng như giải pháp cần thiết mà các thành viên Chính phủ nói với đại biểu, nói với Quốc hội để có hướng tháo gỡ trong thời gian tới. Tôi rất hài lòng với buổi chất vấn trả lời chất vấn hôm nay. Hy vọng trong cả 3 ngày không khí sẽ sôi nổi, dân chủ và chất lượng như vậy.
Cần trách nhiệm của các Tư lệnh ngành
ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho biết, trước hết các Tư lệnh ngành sẽ lắng nghe tiếp thu các ý kiến chất vấn này đồng thời nghiên cứu kỹ những hướng, gợi ý của đại biểu Quốc hội. Có những vấn đề Tư lệnh ngành có thể trả lời ngay, có thể hứa trước ngay trước Quốc hội, có những nội dung cần ghi nhận để về nghiên cứu, giao cho các bộ phận chức năng tư vấn khi đó chúng ta sẽ có ý kiến trả lời bằng văn bản trong kỳ họp tiếp theo. Nhưng quan trọng là hành động của những người phụ trách ngành đó như thế nào trước câu hỏi chất vấn của các đại biểu chứ không phải là câu trả lời tại hội trường.
Với Báo cáo thẩm tra của Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, tôi cho rằng án trả lại còn nhiều do vi phạm tố tụng, do điều tra thiếu và yếu trong chứng cứ, nhưng việc kiểm soát tuân thủ pháp luật vẫn còn hạn chế.
Theo tôi, để giảm thiểu việc án trả đi trả lại kéo dài, đòi hỏi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quan tâm hơn nữa đến vai trò kiểm soát việc tuân thủ pháp luật để chất lượng điều tra ngay từ đầu được bảo đảm; chất lượng truy tố, cáo trạng cũng phải bảo đảm căn cứ và đúng quy định để nâng cao chất lượng xét xử.
Tại các kỳ họp trước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã đề cập việc phấn đấu làm sao để tòa án trở thành biểu tượng công lý và thực hiện nghiêm nguyên tắc tranh tụng. Thời gian vừa qua, đặc biệt là tại những phiên tòa xét xử công khai những vụ án tham nhũng lớn, các cơ quan nói trên đã tạo điều kiện cho bên buộc tội và bên gỡ tội thực hiện tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng chưa bảo đảm cho người bào chữa tham gia tranh tụng một cách đầy đủ. Vấn đề này đòi hỏi phải có những chỉ đạo nhằm chấn chỉnh.
Bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân
Trước vấn đề giải quyết những kiến nghị của người dân ở Thủ Thiêm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) nói: Quan điểm của Ban Thường vụ Thành ủy cũng như lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh hiện nay là sẽ thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Việc thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một vấn đề dài, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo và các quy định pháp luật cũng thay đổi theo thời gian. Vì vậy, hiện nay cần phải rà soát lại các quy định đó để thực hiện, nhưng vẫn phải bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân và phù hợp với quy định của pháp luật cũng như thực tiễn phát triển của TP Hồ Chí Minh.
Quan điểm của thành phố là sai ở đâu thì phải sửa ở đó. Nếu sai mà ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người dân thì phải được quan tâm ưu tiên sửa chữa. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhưng không có nghĩa là thực hiện một cách áp đặt mà phải chủ động đưa ra các phương án và tổ chức đối thoại với người dân; cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân bị ảnh hưởng nhằm tạo sự đồng thuận. Khi có sự đồng thuận rồi thì phải thực hiện nhanh với tinh thần trách nhiệm cao.