Điều chỉnh chính sách thuế phải đảm bảo tỷ lệ huy động cho NSNN
Đó là ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 30/10.
Trả lời ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) về tính nhất quán trong ban hành và thực hiện chính sách, cũng như giải pháp quan trọng nhất để thực hiện một nguyên tắc cơ bản của thuế đó là bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa người nộp thuế và Nhà nước , Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về tái cơ cấu lại ngân sách, quản lý an toàn nợ công, Bộ Tài chính đã báo cáo với Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình ra Bộ Chính trị và ban hành Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị. Đồng thời, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm.
Có thể bạn quan tâm
Đề nghị Chính phủ rà soát các khoản nợ ngân sách Nhà nước
17:14, 22/10/2018
Vì sao thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững?
16:13, 15/10/2018
Ngân sách Nhà nước 7 tháng: Thu tiếp tục vượt chi
04:01, 08/08/2018
Trong điều kiện cắt giảm thuế quan do hội nhập quốc tế, giảm nguồn thu ngân sách trung ương do giá dầu thô giảm, việc chúng ta phải điều chỉnh lại các chính sách thuế là vô cùng cấp bách và hợp lý. Theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội, trong các giải pháp thực hiện có giải pháp điều chỉnh và bổ sung 8 luật thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên và nghiên cứu để trình với cấp thẩm quyền ban hành chính sách thuế tài sản.
Thời gian qua, bám sát chương trình hành động của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội, Bộ Tài chính đang khẩn trương tổng kết đánh giá các luật thuế này cũng như tổng kết các kinh nghiệm quốc tế. Theo tinh thần chung là điều chỉnh các chính sách thuế đảm bảo tính trung lập của thuế cũng như mở rộng cơ sở thu, bám sát khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua việc tổng kết, đánh giá có thể thấy rõ, trong chính sách thuế của ta còn lồng ghép nhiều chính sách an sinh xã hội, các chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư. Chúng ta đang thu hút đầu tư rất dàn trải, kể cả ngành nghề, điều kiện, quy mô vốn, vùng miền, công nghệ, sản phẩm đều có ưu đãi. Những nội dung này sẽ được tổng kết đánh giá, để báo cáo Quốc hội. "Chúng ta phải đảm bảo theo nghị quyết, điều chỉnh chính sách thuế nhưng phải đảm bảo tỷ lệ huy động cho NSNN, tức là đảm bảo nguồn thu cho NSNN. Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo hài hoà, các sắc thuế của chúng ta phù hợp với thông lệ quốc tế" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước 2 năm 2016 - 2018 và tính bền vững của ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về thu ngân sách nhà nước, 3 năm đều vượt dự toán, đạt khoảng 54 -55% kế hoạch. Trong khi giá trị GDP đạt 52 -53% kế hoạch của 5 năm. Tỷ lệ huy động, động viên vào ngân sách nhà nước là 24,9% GDP, trong đó từ thuế và phí là 21% GDP, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội đưa ra tỷ lệ động viên vào ngân sách là không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó thuế và phí là 21%.
Tỷ trọng thu nội địa tăng từ 75% năm 2015 đến gần 82% năm 2018, trong khi quy mô thu ngân sách bình quân 3 năm 2016 -2018 bằng 1,5 lần bình quân của giai đoạn 2011-2015. Riêng thu nội địa tăng 1,78 lần. Thu nội địa trừ số thu từ đất và xổ số kiến thiết, phần bán vốn, cổ tức lợi nhuận sau thuế thì tăng 1,62 lần so với bình quân của giai đoạn 2011-2015. Tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm tương ứng từ 23% xuống còn 18% cùng kỳ.
Về chi ngân sách, kết quả cơ cấu lại cũng tích cực, sớm đạt được yêu cầu theo Nghị quyết 25 của Quốc hội, đó là: Tăng tỷ trọng cho đầu tư phát triển dự toán năm 2015 là 17% tổng chi ngân sách nhà nước. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu giai đoạn 2016-2020 bố trí tăng lên bình quân là 25-26% và dự toán 2 năm chúng ta đã bố trí 26%, thực tế thực hiện lên 27-28% nhờ tăng thu của ngân sách địa phương.