Bộ trưởng Bộ Công Thương giải đáp về Tổng Cục QLTT

Nguyễn Việt 31/10/2018 11:36

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời câu hỏi của ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) về tổ chức lực lượng quản lý thị trường theo mô hình tổng cục.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời câu hỏi của ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) về tổ chức lực lượngp/quản lý thị trường theo mô hình tổng cục.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời câu hỏi của ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) về tổ chức lực lượng quản lý thị trường theo mô hình tổng cục.

- Tại trang 6 Báo cáo 498 của Chính phủ có nêu thành lập mới Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương, về vấn đề này, tôi xin chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương như sau: Trước đây để thực hiện chức năng QLTT trên địa bàn thì các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đều có Chi cục Quản lý thị trường giao địa phương trực tiếp quản lý và chỉ đạo dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Công Thương. Nay theo mô hình tổ chức mới các Chi cục QLTT cấp tỉnh trước đây thì trở thành các Cục QLTT trực thuộc Tổng cục và đặc biệt ở một số khu vực thì có vài tỉnh mới có 01 Cục QLTT.

Xin hỏi Bộ trưởng BCT là chính quyền địa phương còn có trách nhiệm trong QLTT trên địa bàn nữa hay không và nếu có thì lực lượng chuyên trách nào sẽ giúp chính quyền thực hiện nhiệm vụ này và bên cạnh đó, đặc thù công tác QLTT thì luôn gắn với địa bàn thì với mô hình tổ chức mới thì có khó khăn gì hay là có ảnh hưởng gì đến hiệu quả công tác phối hợp xử lý hay không?

Có thể nói, mô hình tổ chức lực lượng QLTT theo cấu trúc ngang bao gồm 63 Chi cục thuộc Sở Công Thương các tỉnh/thành phố và Cục QLTT tại Bộ Công Thương được duy trì hơn 60 năm qua đã góp phần ổn định thị trường nội địa, xử lý các hành vi vi phạm gian lận thương mại.

Tuy nhiên, có thể thấy các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Gian lận thương mại giờ đây không chỉ ở một địa bàn cục bộ cấp xã, huyện, tỉnh nữa mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội, thương mại điện tử, giờ đây Internet đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém phẩm chất mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý. Cách tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình cũ bị giới hạn và chia cắt theo địa phương đã không còn theo kịp nhu cầu quản lý.

Chính vì vậy, việc tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, bao gồm các Cục ở địa phương trực thuộc Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương sẽ đáp ứng đòi hỏi trong bối cảnh mới. Mô hình tổ chức theo ngành dọc sẽ góp phần bảo đảm phát huy sức mạnh, hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT theo những mặt sau:

Khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính trong chỉ đạo điều hành của lực lượng hiện nay; công tác chỉ đạo, quản lý sẽ được tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.

Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên thị trường nội địa, lực lượng QLTT giữ vai trò chủ công, thường xuyên phải phối hợp nhiều lực lượng như: công an, biên phòng, hải quan, thuế. Các lực lượng này đã được tổ chức theo hệ thống ngành dọc, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Vì thế, mô hình Tổng cục QLTT với 63 Cục ở địa phương sẽ giúp cho công tác phối hợp giữa lực lượng QLTT với các lực lượng khác không bị đứt đoạn; sự đồng bộ này sẽ giúp thống nhất liên thông giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong xử lý đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo hiệu quả trong công tác phối hợp.

Tuy nhiên, không phải vì thay đổi mô hình từ Chi cục ở địa phương thành Cục của Tổng cục thuộc Bộ Công Thương mà chính quyền địa phương không còn trách nhiệm với công tác QLTT. Tôi xin nhấn mạnh:

Việc thành lập Tổng cục QLTT về bản chất chỉ là sự thay đổi mô hình quản lý. Công tác QLTT không tách rời với Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn. Biên chế công chức của QLTT trên địa bàn vẫn giữ nguyên. Nhiệm vụ chính của QLTT vẫn gắn liền và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chống gian lận thương mại của tỉnh. Tại địa bàn, QLTT vẫn là lực lượng nòng cốt thực hiện phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm; hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và gian lận thương mại. Trong công tác đảng, Tỉnh ủy là cấp trên, chỉ đạo cấp ủy Cục QLTT thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Đồng thời, theo Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh chống gian lận thương mại trên địa bàn, địa phương mình trực tiếp quản lý. Quan hệ phối hợp hoạt động đấu tranh với gian lận thương mại giữa các Bộ ngành và UBND các tỉnh/thành phố tuân thủ đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, tránh sơ hở, chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến và tới đây sẽ ký kết với 63 UBND các tỉnh/thành phố Quy chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại để đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp.

Với mô hình tổ chức lực lượng QLTT mới, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung đẩy mạnh và đổi mới phương thức hoạt động, cách thức tổ chức thanh tra, kiểm soát thị trường để đạt hiệu quả cao hơn. Một số định hướng chính như sau:

Trước mắt, ổn định tổ chức của lực lượng QLTT để không làm gián đoạn hoạt động chuyên môn ở 63 địa phương (điểm nổi bật là ngay từ ngày chính thức đi vào hoạt động, Tổng cục QLTT đã giảm được 162 Đội QLTT ở địa phương theo hướng sắp xếp, sáp nhập các Đội Quản lý thị trường cấp huyện thành các Đội Quản lý thị trường liên huyện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trước ngày 12/10/2018, cả nước có 681 Đội QLTT, từ ngày 12/10/2018 chỉ còn 519 Đội).

Trong thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cũng như xây dựng mới hạ tầng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực QLTT cho phù hợp với mô hình tổ chức mới cũng như tình hình mới.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT.

Triển khai phổ biến, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực.

Nâng cao chất lượng hoạt động, đạo đức công vụ của công chức QLTT; rèn tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hóa, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của tổ chức, cá nhân trong lực lượng.

Phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành; đặc biệt là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 31/10.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 31/10.

-  Cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời thỏa đáng những nội dung chất vấn. Tuy nhiên, với đặc thù công tác QLTT, yêu cầu xử lý nhanh, chính xác, kịp thời và trong thực tiễn điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng như hiện nay, việc Bộ Công Thương quyết tâm số hóa công tác QLTT như Bộ trưởng nêu đã thực sự phù hợp, chín muồi chưa? Xin Bộ trưởng cho biết thêm!

Đẩy mạnh số hóa, ứng dụng CNTT trong công tác QLTT nằm trong tổng thể chung kế hoạch ứng dụng và triển khai Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương. Đúng như câu hỏi của đại biểu, với đặc thù phải xử lý nhanh, chính xác, kịp thời của QLTT thì chỉ có ứng dụng mạnh CNTT, số hóa các hoạt động thì mới đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn hiện nay. Tôi xin cung cấp thông tin về 02 hoạt động nghiệp vụ của QLTT mà chúng tôi ưu tiên triển khai ngay trong nửa đầu năm 2019 như sau:

Chúng ta ai cũng biết, thương nhân vận chuyển hàng hóa trên đường cần phải mang theo chứng từ, hóa đơn đi đường. Theo quy định hiện nay, nếu hàng hóa vận chuyển trên đường không có bộ chứng từ, hóa đơn bằng giấy chứng minh nguồn gốc sẽ là vi phạm và bị xử phạt. Đây là một bất cập lớn kéo dài nhiều năm qua vì bộ chứng từ gốc chỉ có một, trong khi hàng hóa có thể không được vận chuyển trên cùng một chuyến hoặc cùng một lúc. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và triển khai hệ thống chứng từ điện tử hàng hóa đi đường. Hệ thống này sẽ cho phép thương nhân lựa chọn phương thức chứng từ điện tử thay cho chứng từ giấy. Với chứng từ điện tử, QLTT sẽ kiểm tra trên mạng; giải quyết được bất cập về vấn đề chứng từ giấy theo hàng cho doanh nghiệp cũng như tránh được gian lận thương mại, không thể quay vòng được như chứng từ giấy.

Công tác kiểm tra, xử phạt hiện nay của lực lượng QLTT còn nhiều bất cập. Trong một ngày, lực lượng QLTT xử phạt hàng nghìn vụ vi phạm trên toàn quốc. Tuy nhiên, công tác báo cáo, thống kê về tình hình xử phạt chỉ bằng thủ công dẫn đến việc xử phạt vẫn còn bị trùng lặp về thương nhân hoặc hành vi. Số hóa công tác báo cáo kiểm tra, xử phạt sẽ giúp Bộ theo dõi tức thời cũng như sẽ công khai các hành vi vi phạm, đặc biệt sẽ giúp cảnh báo các hành vi gian lận thương mại, hàng giả trên cả thị trường; giúp người dân, doanh nghiệp sớm nhận dạng hành vi vi phạm, sản phẩm bị làm giả kịp thời; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước nói chung cũng như công tác QLTT nói riêng.

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT hiện nay còn gặp khó khăn, nhưng Bộ Công Thương sẽ ưu tiên triển khai các hoạt động, ứng dụng trên để đổi mới phương thức, cách thức QLTT với mô hình mới.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Việt