Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì về 2 dự án Bauxit?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) hiệu quả của 2 dự án Bauxit.
Tại phiên chất vấn sáng 31/10, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Bộ trưởng có nhận định gì về hiệu quả kinh tế của các công trình khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Và khi nào Chính phủ tiến hành đánh giá việc thí điểm khai thác bauxit ở Tây Nguyên?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết:
Thứ nhất, về hiệu quả của các dự án bauxit ở Tây Nguyên: Việc triển khai thực hiện thí điểm 2 dự án khai thác, chế biến bô xít và sản xuất alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) được chúng ta thực hiện nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển công nghiệp theo chủ trương chung của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị (Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 14-TB/TW ngày 15/8/2006 về dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin ở Đăk Nông nêu rõ: dự án này nằm trong chủ trương lớn là thăm dò, khai thác bô xít, chế biến alumin và luyện nhôm nhằm xây dựng ngành công nghiệp nhôm, một ngành kinh tế có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước..
Hay Thông báo số số 72-TB/TW ngày 09/5/2007 của Bộ Chính trị xác định các dự án bô xít Tây Nguyên là các dự án khai thác và chế biến khoáng sản lớn, là bước cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng về khai thác quặng gắn với xây dựng ngành công nghiệp sản xuất alumin - nhôm).
Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là đơn vị được giao triển khai đầu tư các dự án bô xít nêu trên. Dự án alumin Tân Rai bắt đầu được đầu tư xây dựng từ năm 2006 và Dự án alumin Nhân Cơ được đầu tư xây dựng từ năm 2007.
Đến nay, sau các dự án đạt được một số kết quả ban đầu như sau: Dự án alumin Tân Rai đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 10 năm 2013, hiện nay, dự án đã sản xuất ổn định, năm 2017: 636,7 ngàn tấn alumin đạt công suất vận hành theo cam kết của nhà thầu (630 ngàn tấn/năm), năm 2018 dự kiến sẽ đạt sản lượng 650 ngàn tấn alumin (đạt công suất thiết kế).
Dự án alumin Nhân Cơ, ngày 16/12/2016, đã có sản phẩm alumin đầu tiên và ngày 1/7/2017 Nhà máy chính thức đưa vào vận hành thương mại, năm 2017 đạt 501ngàn tấn alumin (đạt 77% công suất thiết kế), theo kế hoạch năm 2018 sản lượng đạt 580.000 tấn alumin; năm 2019 sẽ đạt công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin.
Mặc dù thời gian các Dự án đi vào hoạt động chưa dài (Tân Rai 5 năm và Nhân Cơ gần 2 năm), song qua quá trình vận hành sản xuất thời gian qua đã cho thấy việc vận hành các nhà máy ổn định, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng tốt, các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng đã đạt được theo thiết kế, một số chỉ tiêu đạt cao hơn so với thiết kế. Các hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến công tác xử lý bùn đỏ, bảo vệ môi trường. Các vấn đề về môi trường, xã hội, an ninh, quốc phòng... theo mục tiêu đề ra được bảo đảm.
Cũng đáng mừng là thời gian qua ta cũng gặp thuận lợi về thị trường. Trong năm gần đây và hiện nay giá bán alumin trên thị trường khả quan: giá trung bình năm 2017 là 344 USD/tấn (FOB), bình quân 8 tháng đầu năm 2018 là 480 USD/tấn, có thời điểm tháng 4 năm 2018 giá alumin lên đến 672 USD/tấn. Đây là mức giá tốt so với phương án tính toán ban đầu để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án (với mức tính toán giá bán alumin trên 300 USD/tấn thì dự án bắt đầu có hiệu quả kinh tế).
Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 dự án tới thời điểm này khá thuận lợi và ổn định, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng và thị trường tiêu thụ chấp nhận tốt (sản xuất ra tới đâu bán hết tới đó, thậm chí chưa đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng). Đến nay TKV đã cấp alumin/hydrat đến các thị trường Trung Đông (U.A.E), Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan...
Bên cạnh đó, điểm tích cực là sau một thời gian ngắn, chúng ta đã nhanh chóng làm chủ được công nghệ, Chủ đầu tư đã có và tiếp tục các giải pháp cải tiến kỹ thuật công nghệ, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng sản xuất nhờ đó giá thành sản phẩm alumin giảm đáng kể giá thành sản xuất năm sau thấp hơn năm trước.
Việc 2 dự án bauxit đi vào hoạt động đã tạo năng lực sản xuất mới mới để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung và vào sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và 2 tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng nói riêng.
Thứ hai, về vấn đề đánh giá việc thí điểm khai thác bauxit ở Tây Nguyên Tại Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13 ngày 23/6/2014, UBTV Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo triển khai việc tổng kết thí điểm sau khi 02 dự án đi vào vận hành, sản xuất, kinh doanh ổn định.
Đây là 2 dự án có qui mô lớn, có ý nghĩa và tác động nhiều mặt, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường, xã hội... tác động tới phát triển của khu vực Tây Nguyên nói riêng và rộng hơn là kinh tế đất nước. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành, với UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đăk Nông, TKV và các cơ quan khác có liên quan để tiến hành rà soát, đánh giá kỹ việc triển khai thực hiện các dự án này để có báo cáo với Chính phủ, với Bộ Chính trị và với Quốc hội.
Trong quá trình thực hiện việc đánh giá thí điểm này, Bộ Công Thương cũng sẽ cùng các Bộ ngành tổ chức xin ý kiến nhiều chiều từ các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các tổ chức khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu... để có đánh giá sâu sắc, thực chất việc thí điểm này trước khi có báo cáo với Chính phủ và với Bộ Chính trị và Quốc hội.