Các chính sách An sinh xã hội có hiệu lực từ tháng 11/2018

Việt Nga 31/10/2018 17:02

Từ tháng 11 năm 2018, rất nhiều chính sách an sinh xã hội sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn gửi thang, bảng lương

Tại Nghị định 121/2018/NĐ-CP ngày 13/09/2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/11/2018, về Sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, về trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, doanh nghiệp phải tổ chức xây dựng hoặc rà soát sửa đổi bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động ở các địa bàn khác nhau thì sau khi xây dựng, quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động, doanh nghiệp gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt đơn vị, chi nhánh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra.

Tuy nhiên, từ ngày 01/11/2018, theo Nghị định 121/2018/NĐ-CP, “doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động sẽ được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” (Điểm a Khoản 2 Điều 10 Chương IV – Điều khoản thi hành).

Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn gửi thang, bảng lương

Từ tháng 11/2018, các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động sẽ được miễn gửi thang, bảng lương

Doanh nghiệp xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm

Cũng tại Nghị định 121/2018/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương quy định doanh nghiệp xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo một số nguyên tắc như định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý; mức lao động được xây dựng trên cơ sở cấp bậc của công việc hoặc chức danh, phù hợp với cấp bậc, trình độ đào tạo của người lao động, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc thiết bị và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động; mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật...

Có thể bạn quan tâm

  • Nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho tương lai

    Nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho tương lai

    10:27, 08/10/2018

  • Nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho tương lai

    Nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho tương lai

    04:00, 08/10/2018

  • Hệ thống An sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0: Cơ hội và thách thức

    Hệ thống An sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0: Cơ hội và thách thức

    06:31, 20/09/2018

  • Thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an sinh xã hội

    Thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an sinh xã hội

    09:54, 19/09/2018

Bảo đảm quy định về an toàn và vệ sinh môi trường cho trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 20/11/2018, về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/04/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, trường mẫu giáo, mầm non và nhà trẻ phải được đặt tại khu dân cư bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường; đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu 12m2/trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du và 8m2/trẻ em đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo;  đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, yêu cầu đặt ra là phải có giáo viên trình độ đạt chuẩn; có diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ít nhất 1,5m2 cho một trẻ, có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; có chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường ngủ và chăn gối màn để ngủ…; tại những nơi chưa có mạng lưới trường mầm non đáp ứng yêu cầu, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhưng phải đăng ký hoạt động với UBND xã, số lượng trẻ em trong các nhóm trẻ này tối đa chỉ là 07 trẻ.

Hộ, cá nhân kinh doanh được cấp hóa đơn điện tử miễn phí

Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2019 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ tháng 11/2018, quy định về sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.

Trong đó, quy định cụ thể về các đối tượng được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí (hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử hoặc các chứng từ điện tử...) bao gồm hộ, cá nhân kinh doanh, trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ; doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 12 tháng, kể từ khi thành lập doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh, trừ doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Chế độ hỗ trợ đối với người hiến máu

Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018, chế độ hỗ trợ đối với người hiến máu, bao gồm cả hiến máu lấy tiền và hiến máu tình nguyện không lấy tiền, sẽ được áp dụng theo Thông tư 20/2018/TT-BYT ngày 30/08/2018 của Bộ Y tế về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BYT ngày 14/04/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá 01 đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.

Cụ thể, người hiến máu toàn phần tình nguyện được lựa chọn nhận quà tặng là dịch vụ khám, chữa bệnh thay vì chỉ được nhận quà tặng bằng hiện vật như trước đây. Giá trị tối thiểu của quà tặng như sau: 100.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 250ml; 150.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 350ml; 180.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 450ml. Thủ trưởng của đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn.

Không sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm công việc bức xạ

Tại Thông tư 13/2018/TT-BKHCN ngày 05/09/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09/06/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế, có hiệu lực từ ngày 01/11/2018, quy định: Nhân viên bức xạ y tế là các bác sỹ, điều dưỡng viên, y sỹ, y tá, hộ lý, dược sỹ, dược tá, kỹ sư, kỹ thuật viên, hộ sinh tại các cơ sở y tế làm việc trực tiếp với các thiết bị bức xạ hoặc các nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở hoặc chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực có chiếu xạ tiềm tàng với mức liều lớn hơn 1 mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ.

Các cơ sở y tế không được sử dụng người lao động dưới 18 tuổi để vận hành các thiết bị bức xạ, làm việc với các nguồn phóng xạ, chăm sóc người bệnh được điều trị bằng các đồng vị phóng xạ hoặc phải làm việc trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ bị chiếu xạ với mức liều lớn hơn 1mSv/năm hoặc trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm bẩn phóng xạ. Với những người bệnh điều trị thuốc phóng xạ I-131, được xuất viện về nhà khi mức hoạt động phóng xạ được đánh giá còn trong người không quá 1100MBq. Khi người bệnh xuất viện, bác sĩ phải tư vấn và cung cấp văn bản hướng dẫn cho người bệnh về các yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ cho người thân, đồng nghiệp và cộng đồng.

Hướng xử lý với thực phẩm không an toàn bị thu hồi

Theo Thông tư 23/2018/TT-BYT ngày 14/09/2018 của Bộ Y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018, quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, sau khi bị thu hồi, thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ được xử lý theo một trong các hình thức như khắc phục lỗi ghi nhãn (áp dụng đối với sản phẩm vi phạm về ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm); chuyển mục đích sử dụng (áp dụng với sản phẩm vi phạm có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng không sử dụng được trong thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác); tái xuất (áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng); tiêu hủy (áp dụng với trường hợp sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng hoặc mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất).

Việt Nga