Phòng vệ thương mại đóng góp 6,13% cho GDP

Nguyễn Việt 01/11/2018 05:15

Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được ta áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đóng góp khoảng 6,13% GDP của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Đây là đánh giá của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 31/10. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Điều này đặt các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành thép cần chuẩn bị gì trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại?

    05:34, 08/07/2018

  • Xu hướng mới phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ

    02:01, 29/06/2018

  • Doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong phòng vệ thương mại

    11:35, 26/06/2018

  • Sẽ có quy định chi tiết về các biện pháp phòng vệ thương mại

    04:56, 26/01/2018

  • Dệt may “đau đầu” với các vụ kiện phòng vệ thương mại

    00:27, 31/03/2017

Sử dụng PVTM để bảo vệ thích hợp sản xuất trong nước

Trong suốt tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước luôn chủ trương tăng cường sử dụng các biện pháp kỹ thuật, biện pháp PVTM để bảo vệ thích hợp sản xuất trong nước, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế. Cụ thể, văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ "Tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định, thỏa thuận thương mại để thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng". Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương “khuyến khích các doanh nghiệp và hiệp hội chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước và của doanh nghiệp”.

Thực hiện các chủ trương, chính sách này, trong thời gian vừa qua, công phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước đã được thực hiện một cách toàn diện, bao gồm: hoàn thiện cơ sở pháp lý; tăng cường thể chế về PVTM; đẩy mạnh thực thi các biện pháp PVTM.

Về cơ sở pháp lý, với việc ban hành Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, Thông tư số 06/2018/TT-BCT, hệ thống văn bản pháp luật về PVTM của ta hiện nay đã đầy đủ, phù hợp với cam kết quốc tế để thực hiện công tác về PVTM nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng. Đối với thể chế về PVTM, tại Nghị định số 98/2017/NĐ-CP, Chính phủ đã thành lập Cục PVTM thuộc Bộ Công Thương, đóng vai trò là cơ quan đầu mối, thực hiện chức năng điều tra, kiến nghị ban hành các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như quyền lợi của hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Với chủ trương đẩy mạnh áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với cam kết quốc tế, chỉ trong giai đoạn 2016 tới tháng 8/2018, chúng ta đã áp dụng 6 biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước đối với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu. Hiện nay, Bộ Công Thương đang theo dõi chặt chẽ để kịp thời triển khai các biện pháp PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước (thép, nhôm, gỗ, nông sản...) một cách phù hợp.

Các biện pháp PVTM này đã bảo vệ công ăn việc làm của gần 100.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được ta áp dụng biện pháp PVTM đóng góp khoảng 6,13% GDP của cả nước. Thuế PVTM cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Qua theo dõi tác động của các biện pháp PVTM, Bộ Công Thương nhận thấy việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Ngoài ra, nhờ các chính sách phù hợp của Nhà nước và nỗ lực của chính mình, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty phân bón DAP Hải Phòng, Công ty thép Việt Trung, Công ty thép Việt Ý, Công ty thép Pomina... Các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước.

Các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Bằng chứng là trước năm 2009, khi ta không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục và chỉ còn 8.000 đồng/kg vào cuối năm 2017. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng... vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sau khi áp dụng biện pháp PVTM, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến giá và rà soát định kỳ để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn, tránh hiện tượng hàng hóa tăng giá do biện pháp PVTM hay giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng (như thép Hòa Phát, tôn Đông Á, DAP Hải Phòng...), cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo. Như vậy, các biện pháp PVTM kịp thời đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất trong nước cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh.

Để tăng tính chủ động trong việc áp dụng các biện pháp PVTM, Chính phủ đang giao Bộ Công Thương nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm nhằm tạo cơ chế theo dõi và giám sát thường xuyên đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó đặc biệt lưu ý tới các mặt hàng nhập khẩu có gia tăng đột biến để có thể đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tích cực hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất trong nước lập hồ sơ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi các doanh nghiệp gặp khó khăn và chịu thiệt hại từ hàng hóa nhập khẩu.

Hàng Việt cũng phải đối mặt với PVTM từ các nước

Còn với câu hỏi, trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chủ trương, biện pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp PVTM do nước ngoài áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam? Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, cùng với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh xu thế bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng, các mặt hàng xuất khẩu của ta cũng đang phải đối mặt với ngày càng nhiều các biện pháp PVTM.

Tính đến ngày 15/10/2018, có 141 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (27 vụ, chiếm khoảng 20%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ, chiếm khoảng 15%); thứ ba là Ấn Độ (17 vụ, chiếm khoảng 12%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm khoảng 11%). Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (81 vụ việc, chiếm 60%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (27 vụ, chiếm 18%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (14 vụ việc, chiếm 9%). Các mặt hàng chịu nhiều biện pháp PVTM nhất là thủy sản (tôm, cá ba sa), sắt, thép...

Trong số các vụ việc trên, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, ta đã kháng kiện thành công 38 vụ việc (chấm dứt điều tra/không áp dụng biện pháp). Nhiều vụ việc khác có kết quả tích cực (mức thuế PVTM áp dụng với hàng xuất khẩu của ta thấp).

Cần nhìn nhận các biện pháp PVTM đối với các sản phẩm xuất khẩu của ta là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để hạn chế các tác động tiêu cực của xu thế này đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thường xuyên cập nhật với các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp về xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối để các doanh nghiệp nắm vững, có kế hoạch ứng phó hiệu quả, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, thận trọng trong việc lên kế hoạch đầu tư, sản xuất, phát triển thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhất định.

Thứ hai, nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó giúp các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của mình và có biện pháp ứng phó kịp thời để hạn chế việc vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá.

Thứ ba, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng với doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ kiện PVTM ngay từ giai đoạn đầu khi cơ quan điều tra của nước nhập khẩu tiếp nhận đơn kiện cho đến khi khởi xướng điều tra, trả lời câu hỏi điều tra, thẩm tra tại chỗ, điều trần công khai và ra phán quyết. Đối với từng vụ kiện cụ thể, Bộ Công Thương tư vấn cho các doanh nghiệp xây dựng chiến lược ứng phó, cách thức trả lời các câu hỏi điều tra và cách thức hợp tác với cơ quan điều tra của nước nhập khẩu. Trong một số vụ việc, Bộ Công Thương trực tiếp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của cơ quan điều tra để chứng minh các doanh nghiệp Việt Nam không có hành vi bán phá giá.

Thứ tư, theo dõi chặt chẽ quy trình điều tra của nước nhập khẩu để đảm bảo các bước trong quy trình điều tra tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO, cam kết trong các điều ước quốc tế và nội luật của nước nhập khẩu. Trong trường hợp phát hiện những điểm không tuân thủ, Bộ Công Thương đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham vấn và yêu cầu cơ quan điều tra của nước nhập khẩu kịp thời có sự điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu những điểm không tuân thủ này không được điều chỉnh gây ảnh hưởng bất lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ cân nhắc đưa biện pháp chống bán phá giá mà nước nhập khẩu áp dụng ra các cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Cho tới nay, ta đã khiếu kiện 05 vụ việc ra WTO, trong đó 02 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực cho ngành thủy sản của ta), 01 vụ đã kết thúc giai đoạn phúc thẩm (với kết quả thuận lợi cho ngành thép của ta), 02 vụ đang trong quá trình xét xử (vụ việc chống bán phá giá cá tra và chương trình giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ).

Về phía doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, đặc biệt là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu; xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phát triển quá nóng một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào; đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế.

Nguyễn Việt