Đừng ép doanh nghiệp phải thưởng tết

THY HẰNG Thực hiện 04/11/2018 05:38

Đó là khẳng định của chuyên gia lao động tiền lương Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, người tham gia xây dựng Bộ Luật Lao động năm 2012 .

Ông Huân cho rằng căn cứ xây dựng tiền thưởng Tết cần được hình thành từ thỏa thuận giữa hai bên người lao động và chủ sử dụng lao động, thể hiện rõ hơn tính khuyến khích tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất.

- Quy định về tiền thưởng cuối năm, còn gọi là thưởng Tết của doanh nghiệp đang được văn bản pháp luật nào điều chỉnh, thưa ông?

Trước tiên phải nói chính xác đây là tiền thưởng cuối năm, sau khi kết thúc 12 tháng sản xuất kinh doanh, thường đúng vào dịp Tết nên được gọi là tiền thưởng Tết.

Theo đó, Luật Lao động năm 1994 đã có quy định “người sử dụng lao động có trách nhiệm trích từ lợi nhuận hàng năm để thưởng cho người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp từ một năm trở lên …”. Quy định này ít nhiều đã tạo ra “khung” cho việc chi thưởng và làm căn cứ để người lao động hoặc tổ chức công đoàn có thể đề nghị doanh nghiệp xem xét tới việc chi thưởng cuối năm.

p/Tiền thưởng Tết cần thể hiện tính khuyến khích tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất.

Tiền thưởng Tết cần thể hiện tính khuyến khích tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất.

Có thể bạn quan tâm

  • Đừng nên áp đặt mức thưởng Tết

    07:00, 02/11/2018

  • Doanh nghiệp phải báo cáo về thưởng Tết và nợ lương trước ngày 20/12

    06:50, 01/11/2018

  • Quy định "cứng" tiền thưởng Tết là rất khó!

    12:12, 30/10/2018

Tuy nhiên, tới thời điểm xây dựng dự án Bộ Luật Lao động năm 2012, bộ phận soạn thảo tiếp cận với nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt có nhiều quan điểm cho rằng không nên quy định “cứng”.

Nhiều doanh nghiệp FDI khi đó cho rằng, điều quan trọng là tiền lương tháng của người lao động phải được trả theo đúng quy định. Phần còn lại sau khi tính toán còn phải dành cho các nhà đầu tư, cổ đông đóng góp vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, khi xây dựng dự án Luật Lao động năm 2012, bộ phận soạn thảo đã điều chỉnh mang tính thực tiễn và linh hoạt hơn. Theo đó, Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định tiền thưởng được ghi là “Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động…”.

Như vậy, quan điểm về tiền thưởng hiện rõ hơn tính khuyến khích, được hình thành từ thỏa thuận giữa hai bên.

- Nhưng theo tôi được biết, tại dự thảo sửa đổi Luật Lao động lần này, quy định “cứng” về tiền thưởng Tết lại một lần nữa được đưa ra lấy ý kiến?

Trước hết, theo quan điểm của tôi, quy định “cứng” về tiền thưởng Tết là rất khó và không nên áp dụng.

Lâu nay, các doanh nghiệp thường quy định rõ về tiền thưởng đối với phần năng suất lao động tăng thêm. Còn tiền thưởng Tết, thông thường trong các thỏa ước lao động tập thể sẽ quy định nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi thì sẽ thưởng để tạo động lực cho người lao động, chứ không quy định cụ thể.

Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ lấy gì để thưởng cao? Mà doanh nghiệp cũng không dại gì chi trả và đãi ngộ cho người lao động ở mức thấp nếu điều kiện sản xuất, kinh doanh có kết quả tốt. Bởi nếu làm như trên, doanh nghiệp vô tình sẽ tự làm mất đi nguồn lực quan trọng, ảnh hưởng lâu dài tới kết quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ lao động hiện nay có tính ngang bằng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người lao động hiện nay có nhiều sự lựa chọn công việc hơn rất nhiều. Do đó, không nên tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Tiền thưởng Tết cần được xem là động lực cho người lao động nâng cao năng suất.

- Vậy theo ông, thưởng cuối năm cần được thể hiện như thế nào?

Hiện, thưởng Tết thường là tháng lương thứ 13, còn những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn sẽ thưởng cao hơn mức này. Tuỳ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh cũng sẽ có những doanh nghiệp thường số tiền ít hơn hoặc thưởng hiện vật tuỳ thuộc vào “sức khoẻ” và từng loại hình doanh nghiệp.
Cụ thể, việc chi trả thưởng Tết của doanh nghiệp nhà nước thì có mức khung nhất định, dựa vào quỹ phúc lợi, khen thưởng không quá 3 tháng lương.

Trong khi đó, mức chi thưởng cuối năm của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI thường không cố định. Nhưng nhiều năm qua, mức thưởng Tết của doanh nghiệp FDI vẫn thường đứng đầu trong bảng khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH. Tất nhiên, mức thưởng cao chỉ dành cho một số cá nhân có đóng góp cao trong doanh nghiệp. Vậy, việc để doanh nghiệp tự quyết việc chi thưởng Tết như của các doanh nghiệp tư nhân và FDI đang làm sẽ có ảnh hưởng, tạo động lực nâng cao chất lượng nhân lực, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời phù hợp với tình hình “sức khỏe” của mỗi doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

THY HẰNG Thực hiện