Khung khổ quan hệ lao động mới

Thy Hằng 18/11/2018 02:12

Khung khổ quan hệ lao động mới cho nền kinh tế thị trường theo hướng thúc đẩy thương lượng tập thể, tăng trưởng kinh tế và năng suất của doanh nghiệp là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hội nhập mới.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực thời gian tới, đặt ra những yêu cầu mới với Việt Nam về vấn đề lao động.

Để đáp ứng yêu cầu của CPTPP thông qua quá trình cải cách pháp luật lao động và thể chế hiện đang diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định lại sự cần thiết của cải cách quan hệ lao động tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

CPTPP đặt những yêu cầu mới với Việt Nam về vấn đề lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội cho dòng vốn FDI chất lượng vào Việt Nam hậu thông qua CPTPP

    02:57, 14/11/2018

  • CPTPP và "nỗi lo" phụ thuộc nguyên liệu từ ngoại khối

    07:23, 13/11/2018

  • Canada vẫn trăn trở về CPTPP

    04:30, 13/11/2018

  • Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 thông qua CPTPP

    15:42, 12/11/2018

  • Gia nhập CPTPP: Việt Nam cần chủ động, phát huy hết các cơ hội

    05:18, 12/11/2018

Chính phủ cũng đã từng bước thực hiện những cải cách quan hệ lao động thông qua Nghị quyết Trung ương số 06/NQ-TW và Nghị quyết trung ương số 27-NQ/TW. Theo đó, cả hai Nghị quyết đều chỉ ra những đường lối rõ ràng về việc Nhà nước sẽ giảm can thiệp vào quan hệ lao động, đồng thời cần thúc đẩy thương lượng tập thể và đối thoại làm phương thức chủ đạo quyết định các điều khoản và điều kiện trong lao động.

Trên thực tế, những thách thức về quan hệ lao động của Việt Nam đã tồn tại từ lâu. “Vẫn còn đó một số điểm yếu trong pháp luật lao động và các thể chế liên quan đến quan hệ lao động. Đã có hơn 6.000 cuộc đình công kể từ giữa những năm 1990 và tất cả đều là đình công tự phát, không do công đoàn khởi xướng”, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết.

Trong khi đó, yêu cầu đặt ra trên con đường đổi mới thông qua hội nhập quốc tế và tăng cường áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường hiện đại buộc Việt Nam phải thay đổi quan hệ lao động.

Do đó, khung khổ quan hệ lao động mới sẽ được hình thành và giải quyết những tồn tại nêu trên. Đồng thời khung khổ mới sẽ theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo người lao động được chia sẻ công bằng thành quả lao động của họ.

Khung khổ đó cũng hỗ trợ Việt Nam thực hiện những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới - EU-Việt Nam FTA và CPTPP.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để xây dựng được khung khổ mới này, còn những bất cập cần khắc phục bao gồm pháp luật lao động chưa phù hợp với tiêu chuẩn của ILO, trong khi quản lý Nhà nước về quan hệ lao động còn nhiều hạn chế, từ phổ biến pháp luật đến thanh tra và giám sát thực thi.

Do đó, yêu cầu sửa đổi Luật Lao động là kiến nghị được nhiều chuyên gia đưa ra.

Thy Hằng