Tư duy mới về doanh nghiệp nhà nước

Đại Dương 24/11/2018 05:46

Có lẽ không phải không có lý do mà đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chủ trì Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN ngày 21/11.

Ngay chủ đề của Hội nghị đã cho thấy tính cấp thiết của vấn đề. Bởi nếu như thực sự DNNN đang có hiệu quả xứng với yêu cầu và nguồn lực được dành cho, thì chắc chắn vấn đề “nâng cao hiệu quả hoạt động” đã không được đặt ra.

p/Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ảnh: Quang Hiếu

DNNN trước sức ép của cải cách và hội nhập

Mặt khác, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ tháng 8/2016 đã từng phát biểu rất trực diện về phạm vi của kinh tế nhà nước rằng: “Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm”.

Tinh thần này của Thủ tướng đối với DNNN luôn được duy trì và thúc đẩy. Năm 2017, khi gặp gỡ cộng đồng kinh doanh lần thứ 2 ngày 17/5, cũng chính Thủ tướng khẳng định lại quan điểm này khi tuyên bố: “Không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân”.

Tất cả những điều ấy cho thấy rằng: định hướng để cải thiện, phát triển một môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh đã có quyết tâm chính trị rất cao. Vấn đề còn lại chỉ là triển khai trên thực tế.

Kể cũng phải nói lại. DNNN chính là một thực thể của lịch sử. Dù nó được hình thành trong thời bao cấp, trong bối cảnh mà vai trò của thị trường bị xem nhẹ, nhưng sự tồn tại của nó hàng mấy chục năm khiến cho cung cách kinh doanh theo “kế hoạch hóa tập trung” vẫn hằn nặng. Hơn 30 năm đổi mới vừa qua, DNNN trước sức ép của cải cách và hội nhập, công bằng mà nói, ít nhiều đã có những thay đổi. Bên cạnh những thất thoát, lãng phí như đã được chỉ ra, thì chí ít cho đến giờ này, khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được thành lập, hàng triệu tỷ tài sản và vốn của nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là một nền tảng rất tốt cho phát triển.

Chỉ có điều, trong tư duy quản trị của DNNN, sự linh động và một cơ chế có thể thích ứng được các quy luật của thị trường không phải lúc nào cũng được áp dụng hoặc dám áp dụng. Nguyên nhân từ thể chế là một phần, nhưng nguyên nhân từ sự trì trệ, từ sự níu giữ tàn dư bao cấp vẫn là một điều đáng suy ngẫm.

Có thể bạn quan tâm

  • Để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đi vào "chất"

    00:00, 22/11/2018

  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào chất lượng hơn số lượng

    13:26, 21/11/2018

  • Cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm, có thể không đạt kế hoạch đề ra

    09:00, 21/11/2018

  • Thủ tướng chủ trì hội nghị đổi mới doanh nghiệp Nhà nước

    07:16, 21/11/2018

  • "Siêu uỷ ban": kỳ vọng tạo đột phá về hiệu qủa hoạt động doanh nghiệp nhà nước

    02:05, 01/10/2018

  • Doanh nghiệp Nhà nước: Tái định vị hay tái cơ cấu?

    05:24, 29/09/2018

  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: "Doanh nghiệp luyến tiếc, bộ ngành chưa quyết liệt"

    15:30, 19/09/2018

  • Tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

    11:05, 18/08/2018

Giá trị DNNN không chỉ ở hiệu quả kinh tế

Có thể, cho đến bây giờ, “vị thế” của DNNN trong nền kinh tế cũng như trong nền hành chính vẫn có những điểm khác biệt. Bởi nắm giữ trong tay vừa một khối tài sản khổng lồ của quốc gia, vừa có lý do “thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội”, đôi khi DNNN chưa hoặc chưa muốn thực hiện những chỉ đạo theo đúng nguyên tắc thị trường của Chính phủ. Đơn giản như việc công bố thông tin, hầu như năm nào cũng có rất nhiều DNNN nằm trong diện phải công bố cũng vi phạm. Tuy nhiên, chế độ trách nhiệm vẫn chưa được áp dụng.

Mới đây, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là dấu mốc đầu tiên tiến đến xóa bỏ hoàn toàn “bộ chủ quản” đối với doanh nghiệp. Tiếp theo đây, chắc chắn tiến trình “nâng cao hiệu quả hoạt động” của DNNN sẽ phải có những cải cách sâu rộng hơn để hàng triệu tỷ đang nằm ở các DNNN phát huy hiệu quả, thúc đẩy thịnh vượng quốc gia.

Tuy nhiên, không thể không thừa nhận việc giảm từ 12.000 xuống còn 600 DNNN là một “nỗ lực phi thường” của Chính phủ. 600 DNNN hiện hành, qua quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thoái vốn, cổ phần hóa, dù rất chậm chạp, đang phát đi một thông điệp quan trọng rằng: “Nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, các địa bàn quan trọng, liên quan tới quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực thiết yếu mà tư nhân không làm, không muốn làm và thoái vốn tại các DNNN đang làm ăn hiệu quả”.

Thông điệp nói trên của Chính phủ, nếu thực sự được tiến hành cách bài bản, đúng với nguyên tắc thị trường, thì khi đó, giá trị của DNNN không nằm ở hiệu quả kinh tế thông thường nữa. Nó sẽ được đo bằng giá trị kinh tế - xã hội khi nó gánh trên vai mình sứ mệnh lan tỏa và phát huy các giá trị chân chính mà một nhà nước chân chính phải làm.

Còn bán bia, bán sữa, thậm chí là bán giày, dép, làm dệt may… sẽ do người dân và khu vực tư nhân đảm trách.

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương: Tăng cường thể chế kiểm soát nội bộ

Kiểm toán nội bộ ở các DNNN rất quan trọng, tuy nhiên công tác này ở các DNNN hiện nay rất hạn chế, thậm chí có nơi còn tê liệt. Điều này gây nên những sự việc sai phạm xảy ra nhiều năm, đến khi cơ quan Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc tiến hành thanh kiểm tra, để lại hậu quả lớn, doanh nghiệp không khắc phục được. Do đó kiến nghị, tăng cường thể chế kiểm soát nội bộ, làm “sống” lại kiểm soát nội bộ nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm ngay từ đầu.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Tái cơ cấu DNNN đang đi “ngược chiều”

Tổng kết quá trình tái cơ cấu DNNN đến nay chủ yếu chúng ta mới tập trung vào cổ phần hoá và thoái vốn, điều này là chưa đúng. Chúng ta cần tập trung ưu tiên vào hai vấn đề khác quan trọng hơn là áp dụng nguyên tắc thị trường và nâng cao hiệu lực quản trị DNNN thông qua áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Hiện, chúng ta hy vọng cổ phần hoá, thoái vốn sẽ buộc các doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường và thay đổi quy tắc quản trị công ty. Như vậy là làm ngược, cần phải làm trước hai mảng hoạt động theo nguyên tắc thị trường và nâng cao năng lực quản trị rồi mới đến hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn tại DNNN.

THY HẰNG ghi

Đại Dương