Cần một cuộc cách mạng mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn tồn tại khuyết điểm lớn, đặc biệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết 26 Trung ương 7 khoá X.
Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, được tổ chức hôm nay (27/11), tại Hà Nội.
Nghị quyết đã được các cấp uỷ và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hoá, hiện đạo hoá nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các nước. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng cao.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan một số mục tiêu Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt. Nhiều tồn tại, yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả, và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao nông nghiệp dễ bị “tổn thương”?
12:03, 27/11/2018
Nghị quyết 26 Trung ương 7 khoá X là một nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
11:28, 27/11/2018
Biến đổi khí hậu "cản bước" đầu tư vào nông nghiệp
01:37, 26/11/2018
"Tam nông" khởi sắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X
07:42, 26/11/2018
Chủ yếu vẫn là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ
Theo đó, bên cạnh những tồn tại, hạn chế đã được Báo cáo tổng kết chỉ ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những hạn chế cụ thể khác.
Trước tiên, đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp, đi liền với đó số hộ dân làm nông nghiệp còn quá cao. Cụ thể, nếu ở các nước phát triển, như Nhật Bản, Mỹ số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cao nhất chỉ từ 2-6%, trong đó tại Việt Nam lại có tới 48%. Chưa kể đóng góp GDP của nông nghiệp cho nền kinh tế thấp.
Bên cạnh đó, nông nghiệp chỉ thu hút được 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Ngoài ra, số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 1%, tương đương với khoảng 7.600 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó lượng vốn đầu tư vào nông nghiệp cũng nhỏ giọt.
Ngoài ra, cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc huy động vốn, tiếp cận vốn, các dịch vụ tín dụng ngân hàng.... trong ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Chi phí vốn còn cao, vì vậy 1/2 số hộ gia đình nông thôn không thể tiếp cận được dịch vụ ngân hàng, phải tiếp cận tín dụng phi chính thức.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỷ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Theo đó, 90% hàng nông sản xuất khẩu thô, chưa qua chế biến, tỷ lệ thải loại cao.
"Việc xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao chưa tạo đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, tạo cơ sở vững chắc cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững gắn chuỗi giá trị, đặc biệt kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến còn hạn chế, quy mô nhỏ, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao. Bên cạnh đó, còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất bảo quản còn quá mức", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra.
Như ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị, mặc dù, Luật đất đai 2013 có nhiều tác động tích cực, tuy nhiên chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp manh mún quy mô nhỏ, khó cơ giới hoá, hiện đại hoá, và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn. Theo đó, quy mô trang trại của Việt Nam nhỏ nhất khu vực, Đông Nam Á và trên thế giới, hơn 10 mấy triệu mảnh ruộng khác nhau, khó có thể sản xuất lớn.
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Chính trị, các Bộ ngành Trung ương xem xét vấn đề sửa Luật Đất đai 2013 một cách phù hợp. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, kinh tế hộ gia đình vẫn chiếm tỷ lệ lớn, canh tác quy mô nhỏ, manh mún.
"Tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo thấp, năng suất thấp. Tư duy nông dân chậm đổi mới không được đào tạo, tác phong công nghiệp, hiểu biết thị trường trước khi đặt hạt giống vẫn chưa nhiều. Nhất là vấn đề năng suất lao động, đây là vấn đề rất đáng lo ngại trong phát triển nông nghiệp Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm.
Theo đó, nền nông nghiệp của Việt Nam lạc hậu, phát triển chậm hơn, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản kém hơn so với một số nước trong khu vực, trong đó có thể kể đến Thái Lan hay Campuchia....
Ngoài ra, trong bối cảnh mới của nền kinh tế, khi Việt Nam đã trở thành thành viên của 16 FTA trong đó có cả những FTA thế hệ mới như CPTPP, nếu doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam không tận dụng, áp dụng được những lợi thế từ những hiệp định này mang lại như thuế, thị trường... thì nguy cơ "thua" là rất lớn.
Không được tư duy chậm trễ
Đồng tình với những giải pháp, mục tiêu của Báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước hết, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trước hết là khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. Các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải được giải quyết đồng bộ gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là quan điểm định hướng của đảng ta trong Nghị quyết 26.
"Đảng ta, nhà nước ta tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức trong phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn để tạo ra những đột phá thành quả to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất thêm "Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước ta cùng với nông dân phải làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội, sự tham gia của nhân dân trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn".
Theo đó, phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, hội nhập sâu rộng của nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, việc nhận diện rõ cơ hội và thách thức trong tình hình mới để đề xuất các định hướng chiến lược hết sức quan trọng.
"Đồng thời, bên cạnh việc khắc phục được nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ... trong bối cảnh mới, hội nhập mạnh mẽ, cơ hội và thách thức đan xen, nếu tư duy chậm trễ, không hành động kịp thời sẽ cản trở sự phát triển của nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.