Hoạch định chính sách cần thêm yếu tố “bình tĩnh”
Những xu thế mới về thương mại sẽ còn tiếp diễn, ít nhất trong trung hạn, 4.0 diễn ra nhanh, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chúng ta về tiến độ, phạm vi nỗ lực bắt kịp cuộc cách mạng này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã nhận định như vậy tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới – Chủ động – Đổi mới – Thiết thực và Hiệu quả”, sáng 4/12.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018: Chủ động – Đổi mới – Thiết thực và Hiệu quả
09:35, 04/12/2018
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế hiệu lực và hiệu quả hơn
19:31, 04/09/2018
Hội nhập kinh tế quốc tế: Động lực cho giai đoạn phát triển mới
11:28, 20/12/2017
Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số
14:08, 23/11/2017
Kỷ nguyên số: Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số
18:47, 22/11/2017
Hội nhập kinh tế quốc tế: Sức ép từ ba cấp độ
15:40, 19/09/2017
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, các xu thế thương mại và Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể tương tác theo nhiều cách khác nhau. Cơ hội và thách thức sẽ đan xen với nhau. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định từ những xu thế mới này.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, theo ông Hải, Việt Nam cần phải cải thiện đáng kể nhận thức và khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trong nước. Cần tái khẳng định yêu cầu thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Nghị quyết 38/2017/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW cùng với các Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế đang triển khai.
Chính phủ, các Bộ ngành hiện đã có thêm kinh nghiệm và dư địa chính sách để ứng phó với những xu thế thương mại mới và tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0. Dù vậy, chúng ta vẫn cần cải thiện chất lượng của công tác điều hành và cải cách thể chế kinh tế. Cập nhật và cân nhắc các kịch bản điều hành cùng với hệ thống thông tin dự báo/cảnh báo kịp thời vẫn là nền tảng quan trọng. Tuy nhiên, công tác hoạch định chính sách cần thêm yếu tố “bình tĩnh” để tránh bị cuốn theo những diễn biến nhanh và quá mức của thị trường tài chính và các tiến bộ công nghệ. Để ứng phó với những xu thế thương mại mới trong kinh tế và thương mại quốc tế, ông Hải đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần xem xét thực hiện một số nhóm giải pháp.
Một là, cần liên tục theo dõi, cập nhật các kịch bản đủ chi tiết để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mạivà tỷ giá của các nền kinh tế chủ chốt. Cần theo dõi động thái chính sách của các nước thứ ba để đánh giá sát hơn tình hình và học hỏi kinh nghiệm ứng phó.
Hai là, chủ động rà soát lại những quy định chính sách trong nước, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sáchphù hợp để định hướng hàng hoá xuất nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới, đồng thời khuyến khích việc tiếp cận và tận dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tăng cường năng lực và hoạt động của các cơ quan ngoại giao, thương vụ để dự báo và xử lý các biến cố đối với thị trường xuất nhập khẩu, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của công nghệ, v.v.
Ba là, tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các Tổ chức, Diễn đàn kinh tế quốc tế; tăng cường trao đổi, hợp tác với các đối tác nhằm tiếp tục ủng hộ và thúc đẩytiến trình hợp tác kinh tế đa phương và khu vực, đồng thời hỗ trợ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; đẩy nhanh vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam. Tìm kiếm cơ hội thúc đẩy các Hiệp định thương mại song phương và đa phương nhằm đón đầu các cơ hội hợp tác với các đối tác mới.
Bốn là, khuyến khích, kêu gọi tinh thần chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu diễn biến những xu thế thương mại mới và Cách mạng Công nghiệp 4.0, từ đó xác định yêu cầu điều chỉnh chiến lược sản xuất – kinh doanh, đặc biệt chú trọng tới việc chuyển đổi, cập nhật công nghệ mới. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tham vấn chính sách, kiến nghị những rào cản, bất cập chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước cần tháo gỡ.
Năm là, cần tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xử lý các vấn đề liên ngành và hỗ trợ cho doanh nghiệp thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm hội nhập của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chính là yếu tố mang tính chất quyết định để hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới theo đúng tinh thần: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả.