Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non: Muôn nẻo khó!
Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục mầm non theo hướng chuẩn quốc tế
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện cả nước thiếu khoảng 65.000 giáo viên trong đó phần lớn là giáo viên mầm non. Điều này đã gây ra thực trạng trẻ không đi học hoặc gửi vào những nơi không an toàn, dẫn đến các sự việc đáng buồn xảy ra liên tiếp thời gian vừa qua.
Nhiều trường hợp giáo viên bạo hành trẻ phần nào đó là hậu quả của việc thiếu giáo viên mầm non có trình độ tại nước ta hiện nay. Theo nhận định của chuyên gia Lê Thị Lan Anh - Viện Giáo dục IEDV, cường độ, áp lực làm việc của giáo viên mầm non quá lớn so với các bậc học khác. Bà cho biết, giáo viên mầm non không chỉ có nhiệm vụ dạy mà cả chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh; đồng thời hiểu biết bao quát nhiều lĩnh vực: từ hát, múa, vẽ tranh, đọc truyện...
Có thể bạn quan tâm
Vụ cô giáo ra lệnh tát học trò 231 cái: "Cao trào" của phản giáo dục!
06:00, 27/11/2018
"Cửa" cho dòng vốn vào giáo dục đã rộng mở?
00:05, 23/11/2018
Doanh nghiệp là yếu tố sống còn đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp
18:30, 21/11/2018
Đầu tư vào giáo dục đã được "cởi trói"
07:45, 20/11/2018
"Cùng với hiện trạng thiếu giáo viên trong khi số trẻ không ngừng tăng, lương hạn chế, giáo viên mầm non đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Việc đào tạo giáo viên mầm non đang bị thả nổi kỹ năng sư phạm, nắm bắt tâm lý trẻ, xử lý tình huống thực tế phát sinh chưa được coi trọng dẫn đến những hành động phản sư phạm. Chưa tính đến các trường hợp đặc biệt khác như trẻ khuyết tật, tự kỷ...", bà Lan Anh cho biết.
Theo đề án, đến năm 2020, có ít nhất 70% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên, hướng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non theo hướng chuẩn quốc tế.
Để đạt mục tiêu đó, hiện nay các nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục đã được chính phủ và các Bộ, ngành ưu tiên tập trung và đẩy mạnh. Theo các chuyên gia mầm non quốc tế, các trường công lập chiếm đa số sẽ giúp việc quản lý, giám sát, đánh giá chất lượng các cơ sở một cách dễ dàng để tạo và kiểm soát điều kiện tốt nhất cho trẻ.
Tuy nhiên, để cải tiến hình thức giáo dục cũng như giảm tải áp lực lên nguồn ngân sách dành cho giáo dục, đầu tư xã hội hóa là một biện pháp để phát triển đa dạng nhiều loại hình trường, lớp và điều kiện học tập phong phú, đồng thời có mức phủ tối đa hệ thống trường lớp trên các vùng miền.
Trên thực tế, một số mô hình trường mầm non được đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư được tiến hành theo hình thức: Nhà nước giao đất và 50% kinh phí và doanh nghiệp đối ứng 50% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang bị, mua sắm thiết bị, đồ dùng... bước đầu đã thu được kết quả tốt. Các doanh nghiệp chủ động từ đầu tư cơ sở vật chất, đến tổ chức tuyển chọn giáo viên cùng sự hỗ trợ bộ máy quản lý nhà trước từ phía nhà nước đã tạo được một số điểm trường chất lượng cao tại Quảng Ninh, Thanh Hóa...
Mặt khác, có nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục cần đầu tư mạnh hơn cho đội ngũ giáo viên để thực sự nâng cao chất lượng của bậc học này. Chuyên gia giáo dục mầm non tại Đại học Dominican ở River Forest, Illinois (Mỹ) cho biết, sự nhấn mạnh vào chất lượng giáo viên là trụ cột của hệ thống mầm non chất lượng tại các nước phát triển. Tại Pháp và Mỹ, Nhật Bản, giáo viên mầm non phải hoàn thành chương trình đào tạo và trải qua các kỳ thi nghiêm ngặt như giáo viên ở mọi cấp độ và đều là các chuyên gia trong việc nuôi dạy trẻ.
"Giáo viên tại một số nước châu Âu như Phần Lan thường được trả lương khá cao và được đào tạo bài bản. Điểm quan trọng rằng, Chính phủ rất quan tâm bảo đảm quyền lợi cho trẻ em nhất là trong những năm đầu đời. Do đó, điểm mấu chốt trong chính sách rằng, dù cắt giảm kinh phí lớn, chi phí cho các trường mầm non vẫn được đảm bảo". - Vị chuyên gia này nói.