Du lịch cần hàng không để “cất cánh”!

Thy Hằng 09/12/2018 05:00

Ngành du lịch sẽ không chỉ phát triển cùng kinh tế đất nước mà còn có thể nhận vai trò tiên phong, “kéo” nền kinh tế phát triển nhanh hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết như vậy tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, vừa diễn ra mới đây.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, sẽ có thời điểm sự tăng trưởng của ngành đạt ngưỡng, phát sinh ra những vấn đề mà bản thân ngành không thể giải quyết ngay lập tức như vấn đề hàng không.

p/Dự kiến năm nay, hệ thống sân bay sẽ đón 105 triệu khách. (Lễ chào đón đoàn du khách quốc tế đến TP HCM trong năm 2018. Ảnh: V.N)

Dự kiến năm nay, hệ thống sân bay sẽ đón 105 triệu khách. (Lễ chào đón đoàn du khách quốc tế đến TP HCM trong năm 2018. Ảnh: V.N)

“Nút thắt cổ chai” làm tăng chi phí

Với mức tăng trưởng ấn tượng 30%/năm, ngành du lịch của Việt Nam được dự kiến sẽ đạt con số 30 triệu lượt khách quốc tế trong vòng 7 năm tới, điều mà quốc gia láng giềng Thái Lan phải mất đến 20 năm để đạt được.
Tuy nhiên, con số tăng trưởng của “ngành công nghiệp không khói” này sẽ phụ thuộc lớn vào việc đảm bảo cung cấp đủ dịch vụ vận chuyển một cách dễ dàng, thuận tiện và giá cả phải chăng đến các điểm du lịch của Việt Nam.

TS Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành hàng không cho rằng, hạ tầng hàng không vốn là nút thắt trong thu hút du khách quốc tế của Việt Nam. Hạ tầng sân bay là một trong những thách thức lớn đối với đề án phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai, cần những động thái tháo gỡ kiên quyết. Nếu không thì hạ tầng sân bay sẽ kìm hãm phát triển du lịch", ông Nam khẳng định.

Theo đó, trong suốt 43 năm, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam mới chỉ đưa vào hoạt động được sân bay Phú Quốc và sắp tới là Vân Đồn. Các sân bay khác được cải tạo từ sân bay quân sự với khả năng mở rộng hạn chế. Đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay.

Không chỉ hạn chế về số lượng sân bay, công suất của các sân bay cũng là một yếu điểm. "Công suất những sân bay này là 75 triệu khách/năm, cộng lại cả 21 sân bay mới bằng được một sân bay ở Bangkok. Đây là những con số đáng lo ngại. Năm 2017, hệ thống sân bay phục vụ 95 triệu khách trên thực tế và dự kiến năm nay sẽ là 105 triệu khách. Đó là lý do các sân bay Tân Sơn Nhật, Nội Bài... luôn nằm trong tình trạng quá tải. Giao thông quanh khu vực sân bay cũng vì vậy mà bị quá tải, tạo hình ảnh xấu cho ngành du lịch Việt Nam", ông Nam cho biết.

Có một thực tế, trong khi Việt Nam chỉ có 4 hãng hàng không có giấy phép hoạt động hàng không thương mại Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air và Bamboo Airways, thì Thái Lan mặc dù chỉ sở hữu dân số bằng khoảng 70% của Việt Nam lại có tới gấp 3 số lượng hãng hàng không được phê duyệt.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch nông thôn: “Mỏ vàng” chờ khai phá

    02:04, 07/12/2018

  • Làm sao thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch Việt?

    16:03, 06/12/2018

  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành du lịch nhận vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế

    12:50, 06/12/2018

  • Việt Nam cần chi “mạnh tay” hơn cho xây dựng thương hiệu du lịch

    10:45, 06/12/2018

  • "Cởi trói" visa tạo đột phá cho du lịch Việt

    05:13, 06/12/2018

  • Thiếu hụt nhân lực ngành du lịch khiến doanh nghiệp phải “vơ bèo gạt tép”

    17:38, 05/12/2018

  • Nhiều quốc gia mong muốn tốc độ tăng trưởng 30% của du lịch Việt Nam

    16:20, 05/12/2018

  • Việt Nam có thể trở thành một cường quốc du lịch của thế giới?

    10:00, 05/12/2018

  • Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành Du lịch

    14:20, 05/12/2018

Thu hút đầu tư hàng không chi phí thấp

Do đó, các chuyên gia đều cho rằng, phải làm sao để tăng công suất như xếp hàng, tăng quầy, tăng tốc độ giải toả khách đi qua... nói chung là tối đa hoá công suất sử dụng sân bay. Dài hạn, thu hút đầu tư vào hạ tầng hàng không. “Giải pháp xã hội hóa hạ tầng hàng không cho du lịch là giải pháp cốt lõi cho phát triển du lịch tại Việt Nam”, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh. Dẫn chứng những trường hợp làm tốt như Vingroup làm đươc ôtô chỉ trong thời gian ngắn, ông cho rằng, Nhà nước cần tin tưởng hơn ở khối tư nhân, để họ tham gia vào việc xây dựng và khai thác ngành hàng không, xây mới sân bay để đẩy nhanh tốc độ phát triển ở lĩnh vực này.
Cụ thể, khuyến khích tư nhân xây dựng sân bay tại các địa điểm có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng nhưng cách sân bay hiện tạo một khoảng khá xa. Cải thiện quy trình phê duyệt cấp phép thành lập hãng hàng không mới và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trong ngành hàng không.

Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh tới giải pháp thu hút các hãng hàng không chi phí thấp. Cụ thể với nhà ga giá rẻ chuyên dụng hướng tới sự đơn giản và hiệu quả, tập trung vào tự động hoá và công nghệ. “Cơ quan quản lý cần xem xét chính sách phát triển các chương trình ưu đãi sân bay, giảm thuế sân bay, xây dựng sân bay riêng cho các hãng hàng không giá rẻ với kết cấu đơn giản, nơi chúng tôi có thể đón khách và cất cánh chỉ trong vòng 25 phút”, Giám đốc điều hành AirAsia Tony Fernandes khuyến nghị.

Được biết, tại Malaysia có sân bay dành riêng cho giá rẻ, hoặc nhà ga cho hàng không giá rẻ, thi công nhanh quy vòng vốn cao. Xây nhanh thì đơn giản và hiệu quả. " Xây thêm nhà ga có chi phí thấp là hướng đi của Việt Nam. AirAsia có nhà ga lớn nhất tại Malaysia. Khi xây dựng sân bay giá rẻ, tăng số nhà ga thì chi phí sẽ rẻ hơn kích thích nhiều người hơn nữa di chuyển, phát triển du lịch", ông Tony Fernandes nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Lê Quang Tùng: “Sức ép” lên hạ tầng hàng không

Khi xây dựng các đề án chiến lược, định hướng phát triển, ngành du lịch đều xác định nhu cầu về hàng không để ngành giao thông vận tải có căn cứ xây dựng quy hoạch. Hiện nay, du lịch xác định 30-32 triệu khách là một “sức ép” tới ngành giao thông vận tải khi xây dựng chiến lược phát triển tới năm 2025. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hi vọng với những nỗ lực đầu tư của ngành và nhiều hãng hàng không thì thị trường hàng không sẽ mở ra cơ hội mở rộng hành khách. Đề án tái cơ cấu cũng là căn cứ quan trọng để hạ tầng hàng không phát triển theo hướng đáp ứng hơn nữa nhu cầu tăng trưởng 30% lượt khách du lịch mỗi năm.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group: Phát triển các hãng hàng không mới

Hơn 80% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không, hiện tại chúng ta đã đạt công suất 100% của các sân bay, số lượng máy bay tuy tăng nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy dù liên tục mở các đường bay mới nhưng số điểm kết nối của các thành phố như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… chưa cao bằng các thành phố lớn của các nước trong khu vực.

Khi nhu cầu hàng không tăng gấp đôi, gấp ba, việc đáp ứng hạ tầng hàng không cần mất thời gian để xây dựng, vì thế Việt Nam thực sự cần các hãng hàng không mới.

Thy Hằng