Sự kiện giao thông vận tải nổi bật năm 2018
Những sự kiện nổi bật của giao thông vận tải trong năm 2018 đã khẳng định những đóng góp cũng như thách thức của ngành này trong sự phát triển của đất nước.
1. Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam chính thức đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2018, sau hơn ba năm xây dựng.
Sáng 30/12, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ khai trương Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sau 30 tháng thi công. Quảng Ninh chính thức trở thành địa phương thứ 22 trong cả nước có sân bay dân dụng.
Trong ngày khai trương, sân bay Vân Đồn đã đón chuyến bay đầu tiên chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo nhà nước từ Hà Nội đến dự lễ khánh thành.
Sân bay Vân Đồn do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với tổng số tiền khoảng 7.700 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3/2016 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, trên tổng diện tích 325ha. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã được Bộ GT-VT phê duyệt là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đánh giá là phi trường phức hợp hiện đại bậc nhất ở Việt Nam hiện nay với thiết kế đạt 2,5 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm. Nhà ga có 2 khu vực quốc tế và nội địa riêng biệt.
Hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã có 2 hãng Hàng không chính thức khai thác bay là Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Sân bay dự kiến khai thác các đường bay đến và đi từ các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia). Tại thị trường trong nước, chủ đầu tư tập trung vào khu vực miền Trung và miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc.
Cùng với cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cảng tàu hành khách quốc tế Hạ Long... cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là mảnh ghép mới nhất trong bức tranh hạ tầng giao thông hiện đại của tỉnh Quảng Ninh.
2. Thêm một hãng hàng không ra đời
Năm 2018, ngành hàng không Việt ghi nhận thêm một hãng hàng không mới đã chính thức ra đời, đó là Bamboo Airways của Tập đoàn FLC, nâng tổng số hãng tham gia thị trường hàng không Việt Nam lên con số 5, cùng với 4 cái tên, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.
Thành lập công ty từ giữa năm 2017, Bamboo Airways đã triển khai rất nhanh các công việc để sẵn sàng cất cánh, như tuyển phi công, tiếp viên, ký hợp đồng mua máy bay với 2 nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing, thuê ướt máy bay... Đến tháng 11/2018, Bamboo Airways đã chính thức có Giấy phép bay.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo công ty, Bamboo Airways không xây dựng theo mô hình hàng không giá rẻ mà theo đuổi mô hình hàng không truyền thống. Mặc dù vậy, hãng có hướng đi hoàn toàn khác so với các hãng bay trong nước. Thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã phát triển, Bamboo Airways tập trung khai thác thị trường ngách, bao gồm các tuyến bay thẳng từ quốc tế và trong nước tới các điểm du lịch mới nổi của Việt Nam, chủ yếu là các điểm du lịch có khu nghỉ dưỡng của FLC.
Sự xuất hiện của Bamboo Airways được dự báo sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường hàng không, cả về giá cả và chất lượng dịch vụ.
3. Khánh thành cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng đã chính thức được đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Hạ Long còn 90 phút. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và cắt băng khánh thành dự án này.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có chiều dài 24,6km, rộng 25m, được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, tổng vốn đầu tư 6.416 tỉ đồng. Điểm đầu dự án giao với quốc lộ 18 tại km102 + 300 (thuộc phường Đại Yên, TP Hạ Long); điểm cuối dự án tại lý trình km19+800 (là điểm đầu dự án thành phần cầu Bạch Đằng, đường dẫn nút giao cuối tuyến).
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công-tư (PPP).
Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến dài 5,4km được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức vốn 7.661 tỷ đồng. Công trình do chính người Việt Nam tự đầu tư, thiết kế, tổ chức thi công với kỹ thuật phức tạp, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Sau khi đưa vào hoạt động, cao tốc Hạ Long-Hải Phòng sẽ nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, giúp rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hà Nội từ 180km trước kia xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ; rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75km xuống còn 25km.
4. Công bố quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ Giao thông vận tải đã công bố quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào hồi cuối tháng 9/2018. Theo quy hoạch điều chỉnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030, nhà ga hành khách T1 và T2 vẫn giữ nguyên và được cải tạo, mở rộng để nâng công suất phục vụ đạt khoảng 30 triệu người/năm. Quy hoạch bổ sung nhà ga T3 ở phía nam với công suất đáp ứng 20 triệu khách.
Quy hoạch khu bay, hệ thống đường cất hạ cánh sẽ được giữ nguyên; bổ sung 3 đường lăn song song và bổ sung 5 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối.
Sân đỗ máy bay trước ga T3, sân phía Tây Nam sẽ được bổ sung 56 vị trí, nâng tổng vị trí đỗ của sân bay lên 106.
Với hệ thống đường ra vào sân bay, quy hoạch mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Thân Nhân Trung với quy mô 4 làn xe, mở rộng đường 18E quy mô 4-6 làn xe. Cầu vượt trên cao cũng được nghiên cứu xây dựng đoạn từ công viên Hoàng Văn Thụ qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến sân bóng Chảo Lửa.
Tuyến đường trên cao từ cuối sảnh ga quốc tế T2 qua ga quốc nội T1 đi theo đường Thăng Long đến Phan Thúc Duyện cũng được nghiên cứu quy hoạch bổ sung.
Về lộ trình đầu tư, nhà ga T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên khu vực phía nam mà Bộ Quốc phòng giao đất sẽ được ưu tiên triển khai ngay.
Ở khu vực phía bắc, hạng mục được ưu tiên là hồ chứa nước, trạm bơm cưỡng bức nhằm chống ngập úng. Hệ thống trục ra vào sân bay sẽ được đầu tư ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết được duyệt, phù hợp với quy hoạch giao thông của TP.HCM.
Theo đó, tổng diện tích đất quy hoạch điều chỉnh là 791 ha, gồm 545 ha đất cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện hữu, 19 ha đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ, 18 ha đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng, 35 ha đất quy hoạch bổ sung phía nam và 171 ha đất quy hoạch bổ sung phía Bắc.
5. Thông xe cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình và cầu Văn Lang
Sáng 10/10/2018, đúng kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, 2 công trình giao thông quan trọng là đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và dự án cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) với TP. Việt Trì (Phú Thọ) chính thức được thông xe đưa vào sử dụng.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc với Hà Nội, đồng thời tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng.
Tuyến đường mới này giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn khoảng 20 km so với đi trên tuyến Quốc lộ 6 trước kia.
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình có điểm đầu tại nút giao Hòa Lạc (giữa Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21, lý trình Km 17+850 trên Quốc lộ 2, tại vị trí tách đường Hòa Lạc - Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Điểm cuối tại Km 32+367 (xã Trung Minh, TP. Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình).
Tuyến đường có tổng chiều dài 25,69 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m và có vận tốc tối đa 80 km/giờ.
Đáng chú ý, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là hơn 2.989 tỷ đồng với thời gian thu phí 24 năm. Sau khi kiểm toán tổng mức đầu tư giảm xuống còn khoảng 2.700 tỉ đồng nhưng thời gian thu phí lại tăng lên hơn 27 năm.
Dự án cầu Văn Lang với mức đầu tư 1.460 tỷ đồng, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C nhằm nối tỉnh Phú Thọ với thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận chính thức được thông xe đưa vào khai thác.
Điểm đầu của dự án (phía Hà Nội) kết nối với Quốc lộ 32 tại lý trình Km59+500 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Điểm cuối dự án (phía Phú Thọ) giao với Quốc lộ 32C tại lý trình Km3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn, TP Việt Trì.
Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46 km. Trong đó, chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,26 km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,55 km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54 km.
6. Vận hành thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Cuối cùng sau nhiều lần lỡ hẹn, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vào tháng 10/2017 và quý II/2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, do tiến độ dự án không đáp ứng được yêu cầu nên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phải tuyên bố “phá sản” kế hoạch này.
Sau khi bị “lụt” tiến độ, phía Tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất với Bộ GTVT xin lùi dự án thêm 11 tháng so với kế hoạch. Bộ GTVT đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi thời gian hoàn thành dự án và được Thủ tướng chấp thuận.
Từ tháng 8/2018, Tổng thầu Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra và thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị, chạy thử từng đoàn tàu, kiểm tra hệ thống thông tin, tín hiệu…
7. Triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn – Nông Cống, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được thi công trong năm 2018. Theo đó, các đơn vị vừa báo cáo Bộ GTVT về các đoạn cao tốc trong tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, gồm đoạn Mai Sơn – Nông Cống, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) đã trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - QL45.
Dự án có chiều dài khoảng 63,67km. Điểm đầu nối với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại địa phận xã Mai Sơn (huyện Yên Mô, Ninh Bình), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 45 tại địa phận xã Tân Phúc (huyện Nông Cống, Thanh Hóa).
Quy mô tuyến cao tốc gồm 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tổng mức đầu tư hơn 13.788 tỷ đồng, xây dựng khoảng 36 tháng.
Đoạn tuyến thứ 2, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng vừa trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông).
Điểm đầu kết nối với đoạn cao tốc Quy Nhơn - Nha Trang, điểm cuối nối với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Trước đó, Chính phủ đã có báo lên Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng “Một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020” sẽ được lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước 654km với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng và khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
8. Máy bay Vietjet liên tục gặp sự cố
Theo thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành chỉ thị về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không.
Trong chỉ thị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhắc lại rằng, chỉ trong một thời gian ngắn (quý IV năm 2018), hãng hàng không VietJet Air đã có 7 sự cố khai thác máy bay, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật máy bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 12 đã xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng đối với các chuyến bay của VietJet Air, bao gồm: Chuyến bay VJ356 (ngày 29/11/2018) và VJ689 (ngày 25/12/2018).
Cụ thể, với chuyến bay VJ356, trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, hai bánh càng mũi của máy bay đã bị rơi ra; còn với chuyến bay VJ689, máy bay đã hạ cánh xuống đường cất hạ cánh chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, sau khi phải quay lại hạ cánh do gặp hỏng hóc kỹ thuật.
Để khắc phục tình trạng trên và đảm bảo an toàn, an ninh hàng không và duy trì hoạt động vận tải hàng không, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Kỷ Hợi năm 2019, Bộ trưởng Bộ GTVT tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo và nghiêm túc triển khai chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT về phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an ninh an toàn, chất lượng dịch vụ trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Kỷ Hợi năm 2019.
9. Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi 34 nghìn tỷ vừa khánh thành đã xuống cấp
Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng, bong tróc nhiều nơi bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 10/2018.
Sự việc cao tốc hơn 34.000 tỷ (tương đương 1,65 tỷ USD) Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe toàn tuyến chưa lâu đã có nhiều hỏng hóc khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ về chất lượng công trình này do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiên.
Ngày 13/10, khi thị sát công tác khắc phục hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cũng không khỏi bức xúc trước thực trạng vá víu cao tốc thủ công, phản cảm và bong tróc trở lại ngay sau khi khắc phục.
Nguyên nhân quan trọng khác được các chuyên gia mổ xẻ là chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý và nghiệm thu chất lượng công trình; chọn nhà thầu không đạt yêu cầu; tư vấn giám sát kém dẫn tới chất lượng công trình không đảm bảo và cuối cùng là lập hội đồng nghiệm thu không làm tròn chức năng nhiệm vụ...
10. Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam 60 tỷ USD gây tranh cãi
Bộ GTVT mới đây đã có kết luận về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với trị giá gần 60 tỷ USD.
Dự kiến dự án sẽ được trình Quốc hội vào năm 2019, nhưng lấy đâu ra nguồn vốn “khủng” này vẫn đang là một “dấu hỏi” lớn.
Được biết, Bộ GTVT căn cứ vào Chiến lược phát triển đường sắt mà Thủ tướng mới phê duyệt. Theo chiến lược này, trước năm 2020, ngành giao thông sẽ nghiên cứu xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi khổ 1,435 m, điện khí hóa trên trục Bắc-Nam. Đến năm 2050 sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435 m trên toàn trục Bắc - Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350 km/h; hoàn thành tuyến đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á...
Dĩ nhiên, dù là ở một thời điểm mới, nhưng những băn khoăn cũ vẫn hiện hữu. Từ tổng mức đầu tư, nguồn vốn đến khả năng thu hồi vốn, tác động của dự án tới xã hội, nợ công. Và dĩ nhiên, cả phương diện kỹ thuật.
Nhưng vấn đề quan tâm hàng đầu là hiệu quả xã hội và tài chính là điều cần tính đến. Nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra băn khoăn với hiệu quả tài chính của dự án cao tốc Bắc – Nam. Gần 60 tỷ USD, nếu với quy mô nền kinh tế hiện nay, nó đã chiếm khoảng hơn ¼ GDP. Trong khi đó, khả năng hoàn vốn, giải phóng mặt bằng, tỷ giá vẫn đang tiền ẩn những rủi ro chưa được làm rõ.
Có thể, kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, và mới nhất là của Đài Loan là một bài học tốt. Nhưng rõ ràng, với một quốc gia mà quy mô kinh tế mới chỉ trên dưới 200 tỷ USD/năm, thì siêu dự án này cần phải có một trợ lực khác. Ngoài nguồn vốn quốc tế được huy động và sử dụng cách minh bạch, công khai, thì sự tham gia của khu vực tư nhân Việt Nam vẫn là một gợi mở chính đáng.
Dự kiến, dự án đường sắt cao tốc 58 tỷ USD sẽ trình Quốc hội năm 2019
11. Lùm xùm nhiều dự án BOT giao thông và Luật hợp tác công tư
Năm 2018 có thể là coi là một năm dậy sóng của BOT (các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) liên quan đến các trạm thu phí BOT trên khắp cả nước: BOT Cai Lậy ở Tiền Giang, BOT Bến Thủy, BOT Đại Yên, Sông Phan, Cần Thơ – Phụng Hiệp, Sóc Trăng, BOT Mỹ Lộc ở Nam Định, Tân Đệ ở Thái Bình, Ninh Lộc ở Khánh Hòa...
Cách thức chung để thể hiện sự phản đối của giới tài xế là sử dung tiền mệnh giá nhỏ tại hầu hết các trạm thu phí trên toàn quốcđể trả phí qua trạm. Cách này buộc nhân viên thu phí mất thời gian đếm dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài buộc các trạm BOT phải xả trạm liên tục.
Những nguyên nhân chính bị phản đối mạnh mẻ được giới tài xế và người dân cho rằng các trạm BOT đặt sai vị trí, thu mức phí quá cao, thu phí quá thời hạn và thậm chí người dân không hề sử dụng tuyến đường nhưng vẫn phải nộp phí qua trạm.
Theo các chuyên gia, Hợp tác công tư (PPP) nói chung và hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nói riêng là mô hình mới, khơi thông nguồn lực xã hội vào việc cung cấp dịch vụ công trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp.
Nhưng việc chuyển dịch từ thái cực kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, trong bối cảnh từ chối và thiếu vắng các thiết chế chính trị pháp lý cần thiết để kiểm soát mặt trái của kinh tế thị trường làm cho kinh tế thị trường đôi lúc trở nên “hoang dại”.
Chính vì BOT là một mô hình mới, các nhà lập pháp mới chỉ tập trung khai thác khía cạnh “thương mại” của nó. Bởi vậy, Luật Đầu tư 2014 coi BOT là một hoạt động thương mại.
Theo đó, nhà đầu tư được hưởng đặc quyền “giữ bí mật thương mại” của hợp đồng BOT và các vấn đề liên quan và hưởng cơ chế giải quyết tranh chấp theo con đường tranh chấp kinh doanh thương mại chứ không phải theo con đường tố tụng hành chính theo thông lệ quốc tế.
Chính điều này đã gây nên trục trặc cho các dự án BOT từ Bắc chí Nam, vì người dân bị gạt ra ngoài lề, toàn bộ quá trình đàm phán, thương thảo, nội dung cơ bản của hợp đồng BOT họ không có thông tin, không có quyền phản đối ngay từ khi đàm phán...
Khi các con đường pháp lý bị chốt chặn, thì họ đành phải lựa chọn sử dụng các quyền hiến định khác... và đôi khi bất đắc dĩ phải tinh quái cho tiền lẻ vào chai, sử dụng tiền lẻ.
Bởi vậy, theo các chuyên gia không chỉ đối với hợp đồng BOT, mà với tất cả dạng PPP khác, cần phải được trả về đúng bản chất pháp lý của nó là một dạng của hợp đồng hành chính chứ không phải hợp đồng kinh doanh thương mại.
Luật PPP có thể được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2019, được kỳ vọng sẽ giải quyết tận gốc mặt trái của PPP nói chung hay BOT nói riêng và khơi thông dòng vốn xã hội hóa một cách lành mạnh; tránh bị bàn tay lợi ích nhóm, tư bản thân hữu thao túng.
12. Hành lang pháp lý nào cho vụ kiện Vinasun với GRab?
Câu chuyện Vinasun kiện Grab chưa có tiền lệ cho thấy những khoảng trống pháp lý trong kinh doanh vận tải tại Việt Nam. Sau thời gian dài tranh luận, nhiều lần tạm hoãn, đình chỉ, xét xử lại, hòa giải… vụ kiện Vinasun - Grab tưởng đã có hồi kết sau khi HĐXX Tòa án kinh tế - TAND TP HCM chính thức tuyên án ngày 28/12/2018. Tuy nhiên, Giám đốc Grab Việt Nam khẳng định Grab sẽ kháng cáo sau phán quyết sơ thẩm phải bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun và sẵn sàng kiện ngược Vinasun và một số bên khác.
Trong phiên tòa sáng 28/12, HĐXX nhận định Grab vị phạm Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, Đề án 24, Luật Thương mại,... Bởi Grab chỉ được phép cung ứng dịch vụ kết nối nhưng lại trực tiếp kinh doanh vận tải taxi. Đây là hành vi có lỗi của Grab, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.
HĐXX nhận thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab. Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác.
Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab 36,3 tỷ đồngkhác.
TAND TP.HCM cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo ra sự công bằng, bình đẳng đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.