Sự kiện nông nghiệp nổi bật năm 2018

Phương Thảo (tổng hợp) 31/12/2018 17:46

Nông nghiệp, vượt qua năm 2018 nhiều rủi ro của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh... đã nỗ lực khẳng định là "bệ đỡ" vững chắc của nền kinh tế.

1. Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua

abc

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 7,08% - cao nhất từ 2011 đến nay, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,7%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua của ngành nông nghiệp, khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

2. Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản vượt ngưỡng 40 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới

Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới

Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới

Con số kim ngạch xuất khẩu đạt được năm 2018 là kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, vượt kế hoạch Chính phủ giao và đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới). Trong đó, xuất khẩu rau quả hơn 4 tỷ USD, xuất khẩu gỗ 9,3 tỷ, thủy sản 9 tỷ USD…

Kết quả này đạt được trong bối cảnh thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu;

Hơn nữa, năm 2018 cũng có sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới, nhất là tiêu, đường… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt lên các khó khăn; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam chỉ tính riêng đến hết 11 tháng đầu năm 2018 đã đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.

3. Việt Nam nỗ lực gỡ thẻ vàng EC

 Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm gỡ

Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm gỡ "thẻ vàng" của EC

Tại buổi tiếp đoàn Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu do ông Mato Gabriel, nghị sĩ, phát ngôn Ủy ban dẫn đầu, ngày 29/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:Việt Nam coi “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) là cơ hội để chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang phát triển bền vững, có trách nhiệm. Nhiều biện pháp đồng bộ đang được triển khai nhằm khắc phục cảnh báo này.

Đến nay, Việt Nam đã đạt kết quả ở 4 nhóm vấn đề gồm: Sửa đổi khung pháp lý, đặc biệt là Luật Thủy sản được ban hành ngày 21/11/2017; tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá; tăng cường thực thi pháp luật, trong đó tổ chức nhiều hội nghị để đẩy mạnh tuyên truyền đến ngư dân và các địa phương; sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản.

Với kết quả đó, Thủ tướng đề nghị ông Mato Gabriel và đoàn ủng hộ để Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Trước đó, từ ngày 23/10/2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng hình thức "thẻ vàng" với hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, do tình trạng đánh bắt bất hợp pháp. Việc này đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU rơi từ vị trí số 1 xuống số 4. Đoàn thanh tra của EC hồi tháng 7/2018 đã đến Việt Nam, ghi nhận những tiến bộ và sẽ trở lại xem xét vấn đề "thẻ vàng" vào tháng 1/2019. Do đó, Chính phủ Việt Nam xác định việc gỡ "thẻ vàng" là nhiệm vụ trọng tâm của ngành khai thác thủy sản hiện nay.

4. Hai dự luật quan trọng nhất của ngành nông nghiệp là Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt chính thức được thông qua

Kết quả biểu quyết Luật Trồng trọt

Kết quả biểu quyết Luật Trồng trọt

Trong đó, Luật Chăn nuôi 2018 được ban hành ngày 19/11/2018 và sẽ có hiệu lực từ năm 2020, quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý Nhà nước về chăn nuôi. Đặc biệt, Luật Chăn nuôi có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 với nhiều điểm mới nổi bật: quy định riêng một Mục tại Chương V về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi; Cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng, Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi (trong đó có lợn, gà, vịt,…) nhằm mục đích gian lận thương mại…

Đặc biệt, lần đầu tiên Quốc hội đưa vào Luật Chăn nuôi 2018 quy định chính sách của Nhà nước về chăn nuôi: Tổ chức, cá nhân phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND xã; Chuồng chăn nuôi nông hộ phải tách biệt nơi ở của người…

Luật Trồng trọt gồm 7 chương, 85 điều, quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Trong đó, Luật quy định rõ các nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt. Theo đó, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được cấp chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân…

5. Việt Nam chính thức có thương hiệu gạo quốc gia

Logo thương hiệu gạo Việt Nam đã chính thức được công bố tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 3

Logo thương hiệu gạo Việt Nam đã chính thức được công bố tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 3 diễn ra tại tỉnh Long An, từ ngày 18 đến 24/12/2018

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố thương hiệu (logo) gạo Việt Nam vào ngày 18/12. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam công bố thương hiệu gạo quốc gia của riêng mình, kể từ khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu gạo ra thế giới từ năm 1989 đến nay.

Được biết, thương hiệu gạo Việt Nam cũng đã làm thủ tục bảo hộ quốc tế. Theo đó, để thực hiện bảo hộ, Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế sang hệ thống Madrid - hệ thống này được xây dựng trên cơ sở Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid. Cả hai văn bản này đều thiết lập một quy trình hành chính cho phép việc đăng ký thương hiệu ở nhiều quốc gia chỉ thông qua việc sử dụng một đơn đăng ký thương hiệu duy nhất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những quy định về việc sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam và các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định được đặt ra.

Theo đó, Quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam nêu rõ tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện: được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo. Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực. Được tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu được chứng nhận gồm gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng. Về chất lượng sản phẩm, gạo mang nhãn hiệu gạo Việt Nam phải đảm các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia.

6. Tổng kết 10 năm thực hiện chính sách tam nông

Nghị quyết “tam nông” tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại

Nghị quyết “tam nông” tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại (Ảnh: HTX rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc chuyên sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN)

Ngày 27/11, "Hội nghị trực tuyến tổng kết toàn quốc và Triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết TW7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã diễn ra do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì.

Qua thực tế 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 đã khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, các mặt tồn tại, hạn chế cần được tập trung tháo gỡ như: Kết quả phát triển nông nghiệp vẫn chưa bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc; Đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp; Việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỷ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất bảo quản quá mức, không đúng quy định trong nông nghiệp. Luật đất đai năm 2013 có những tác động tích cực; tuy nhiên chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Một số địa phương kết quả đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Thu nhập của một bộ phận người dân nông thôn còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về quan điểm và mục tiêu tổng quát: Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cần giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên nguyên tắc, cơ sở kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác tốt các điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế cho phát triển lực lượng sản xuất; phát huy cao nội lực. Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

7. Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII

a

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những thành tích mà phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện được trong 5 năm qua, đóng góp vào thành công chung của đất nước

Với chủ đề "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 7, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã diễn ra từ ngày 11-13/12, với sự tham gia của gần 1 nghìn đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân trên cả nước.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những thành tích mà phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện được trong 5 năm qua, đóng góp vào thành công chung của đất nước. Nông nghiệp trở thành trụ đỡ để nền kinh tế quốc dân vượt qua suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn đã từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tập trung các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống nông dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả.

8. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020

a

Đề án sẽ tiến hành củng cố nâng cao hiệu quả các hợp tác xã nông nghiệp

Để đến năm 2020 đạt được mục tiêu 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả, Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 (Đề án) đặt mục tiêu cần phải tập trung thực hiện duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là có hiệu quả năm 2017; thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp yếu, kém để phấn đấu có trên 5.400 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (trong tổng số hơn 6.400 hợp tác xã nông nghiệp yếu kém hiện nay) và thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Đối với liên hiệp hợp tác xã, Đề án xây dựng các mô hình điểm về liên hiệp hợp tác xã; phấn đấu có trên 50 liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

9. Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP) được Chính phủ phê duyệt và thực hiện trên phạm vi cả nước

Chương trình OCOP là giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện.

Chương trình OCOP là giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP), được thực hiện trên phạm vi cả nước.

Theo đó, Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Quyết định cũng xác định các nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: Thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến), đồ uống (đồ uống có cồn, đồ uống không cồn), thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu), vải và may mặc (các sản phẩm làm từ bông, sợi), lưu niệm – nội thất – trang trí (các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng) và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu...).

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.

10. Các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp

Chỉ tính đến hết tháng 6/2018, cả nước ước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp. Trong đó, đã có nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn ngoài lĩnh vực nông lâm thủy sản cũng đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như tập đoàn Vingroup, MaSan, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, Pan group…

Tổ hợp hợp chế biến thịt mát đầu tiên áp dụng theo tiêu chuẩn châu Âu của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng đã khánh thành hôm nay (23/12) tại Hà Nam.

Tổ hợp hợp chế biến thịt mát đầu tiên áp dụng theo tiêu chuẩn châu Âu của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng đã khánh thành ngày 23/12 tại Hà Nam.

Nổi bật là Masan khánh thành tổ hợp chế biến thịt mát đầu tiên ở Việt Nam, tổng đầu tư 1.000 tỉ đồng. Tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam có công suất thiết kế 1,4 triệu con heo/năm với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Sản phẩm thịt mát thương hiệu Meat Deli của Masan được tung ra thị trường từ 23/12, có mặt tại cửa hàng Meat Deli và hệ thống Vinmart Hà Nội.

Trước đo, ngày 8/8/2018, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã kí kết biên bản hợp tác chiến lược. Theo đó, Thaco dự tính sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của HAGL khoảng 12.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Thaco và công ty liên quan là Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về đầu tư phát triển giai đoạn 2 của Dự án HAGL Myamar với tổng vốn ước tính 320 triệu USD, tương đương hơn 7.400 tỉ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

11. Việt Nam lần đầu sản xuất được vắc xin chống lở mồm long móng

Cán bộ Công ty AVAC/RTD vận hành thiết bị sản xuất vắc-xin lở mồm long móng.

Cán bộ Công ty AVAC/RTD vận hành thiết bị sản xuất vắc-xin lở mồm long móng.

Ngày 17/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức lễ công bố về việc cấp phép lưu hành thuốc thú y đối với vắc xin phòng bệnh LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion type O của công ty AVAC ( thuộc công ty CP Phát triển công nghệ nông thôn - RTD).

Sau nhiều năm nghiên cứu và trải qua quá trình thẩm định, Cục Thú y đã giao cho cơ quan Thú y vùng 6 là phòng thí nghiệm chủ lực về LMLM tổ chức thu thập hàng nghìn mẫu vi rút LMLM từ các ổ dịch tại các địa phương để nghiên cứu, chọn giống gốc nhằm phục vụ việc sản xuất vắc xin.

Đến nay, lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin LMLM AVAC-V6 FMD Emulsion type O, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bệnh LMLM là loại bệnh rất nguy hiểm, lây lan rất nhanh và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, việc sản xuất được chủng vắc xin LMLM type O không chỉ chủ động trong phòng bệnh và giảm giá thành vắc xin, ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng chục triệu USD để nhập khẩu vắc xin mà quan trọng hơn cả là góp phần giúp chúng ta khống chế, tiến tới loại trừ bệnh LMLM ở Việt Nam.

Phương Thảo (tổng hợp)