Điện và xăng rất “nhạy cảm” với lạm phát

Nguyễn Việt 28/01/2019 05:00

Chính phủ quyết tâm điều hành giá với mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng 3,3%-3,9% (chỉ tiêu của Quốc hội là lạm phát bình quân tăng khoảng 4%), kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%-1,8%.

TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Nguyễn Việt

Để đạt mục tiêu trên, việc bình ổn lạm phát 2019 cần theo hướng nào là điều chúng ta đang trăn trở.

Thuế xăng dầu có tác động đến lạm phát

Trao đổi với báo Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, TS Trần Toàn Thắng -  Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, năm 2019 là một năm thuận lợi từ bên ngoài cho Việt Nam, vì thương mại thế giới được dự báo giảm, giá cả chung toàn thế giới cũng sẽ có xu hướng giảm xuống.

Điều này có thể mang đến lợi ích cho Việt Nam, đó là chi phí cho nhập khẩu giảm, từ đây là tiền đề làm giảm giá hàng hóa trong nước. Do đó, việc giữ lạm phát dưới 4% nếu nhìn từ góc độ quốc tế thì Việt Nam có thể đạt được.

Còn với thị trường trong nước có mấy điểm cần lưu ý. Đó là trong năm 2018 để kiềm chế lạm phát nên đã không tăng một số dịch vụ, thì rất có thể giá một số dịch vụ sẽ tăng trong năm 2019, vì cũng không thể giữ mãi được giá thấp. Đây là câu chuyện chi phí đẩy có thể làm lạm phát tăng. “Mục tiêu kiềm chế lạm phát 4% nhìn từ bên trong thì có câu chuyện tăng giá dịch vụ và giá xăng dầu”, ông Thắng nói.

Ở Việt Nam, giá điện và xăng dầu thường rất nhạy cảm với lạm phát. Nếu giá xăng dầu thế giới không tăng thì là điều thuận lợi, nhưng trong nước lại liên quan đến thực hiện tăng khung thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng. Hiện nay khung thuế bảo vệ môi trường đã tăng kịch trần và đang điều chỉnh quỹ bình ổn để làm giữ không tăng giá xăng.

Nhưng trong năm 2019 liệu có giữ được giá xăng dầu tăng một cách vừa phải hay không? Tức là quỹ bình ổn có còn giúp được việc này không, vì một phần quỹ bình ổn đã phải chuyển sang bù vào tăng thuế bảo vệ môi trường? Theo ông Thắng, có 2 vấn đề.

Thứ nhất, luật về thuế bảo vệ môi trường vẫn đang còn “lơ lửng”. Bộ Tài chính đã đề xuất ra luật nhưng Quốc hội vẫn chưa xem xét việc tăng khung thuế từ 4.000 lên 8.000 đồng/lít xăng. Nếu Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính dựa trên khung thuế đấy để tăng thuế bảo môi trường với xăng dầu, thì đây sẽ là nguy cơ tạo ra lạm phát lớn.

Thứ hai, sức lan tỏa của xăng dầu rất lớn với các mặt hàng khác. Chính phủ với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% thì cần chú trọng đến thuế xăng dầu với một số giá dịch vụ công như y tế, giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

  • Quyết tâm điều hành giá nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 3,3% - 3,9%

    03:07, 23/01/2019

  • Làm gì để kiểm soát lạm phát năm 2019?

    08:26, 19/01/2019

  • Lạm phát trong tầm kiểm soát: Không nên chủ quan!

    05:00, 14/12/2018

  • Lạm phát kiểm soát ở dưới mức Quốc hội giao

    15:50, 29/10/2018

  • Áp thuế môi trường “kịch trần” với xăng dầu có thể "đẩy" lạm phát tăng cao

    02:20, 11/10/2018

“Tiến thoái lưỡng nan” với giá điện

Ngoài ra, theo ông Thắng, Việt Nam đang bị đặt vào thế “tiến thoái lưỡng nan” với giá điện. Nếu không tăng giá thì không thu hút được nhà đầu từ vào ngành điện. Còn nếu tăng giá điện thì lại gây ảnh hưởng đến tăng trưởng cũng như cuộc sống của người dân. Vì giá điện khá nhạy cảm nên cũng cần cân nhắc kỹ trước khi tăng giá.

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang đầu tư mạnh vào nhiệt điện, nhưng trong cơ cấu điện 2019 nếu vẫn giữ tốc độ phát điện của các dự án từ năm 2017, 2018 thì đến năm 2019 mới phát huy tác dụng. Nhưng như vậy sẽ làm giá thành điện tăng, vì nhiệt điện thường cao hơn thủy điện. Vấn đề là có điều chỉnh được hay không, khi sức ép của tái cơ cấu ngành điện và giảm giá thành sản xuất điện cũng tương đối cao. Trong năm 2019, mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát dưới 4%, việc tái cơ cấu nguồn cung điện có thu hút thêm được các dự án FDI về nhiệt điện hay không là vấn đề cần quan tâm.

Vì càng tăng nhiệt điện thì chi phí chung cho một kWh điện sẽ tăng lên. Còn điện gió, điện mặt trời… giá thành còn tương đối cao và chưa có cơ chế nào mới ngoài cơ chế bù giá một chút cho những nhà cung cấp điện. Thực tế, để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này cần phải có một mặt bằng giá điện cao hơn hiện nay, vì đây là ngành phải đầu tư nhiều vốn. Với nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải kiềm chế lạm phát thì cầu về năng lượng sẽ tăng rất nhanh. Điều này liên quan đến khả năng phải nhập khẩu điện hoặc đẩy công suất các nhà máy nhiệt điện lên cao hơn.

“Như vậy, sức ép đảm bảo lạm phát dưới 4% rất lớn với ngành điện. Do đó, phải rất quyết liệt trong cơ cấu lại ngành điện thời gian tới đây”, ông Thắng chia sẻ.

Nguyễn Việt