Đà Nẵng trước “ngưỡng cửa” phát triển mới
Với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng thực sự đã đứng trước cánh cửa cho tầm phát triển mới, nhưng vẫn cần có thêm nhiều nỗ lực, sự chú trọng tiếp sau đó.
Theo ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Nghị quyết mới sẽ tạo động lực hữu hiệu hơn để Đà Nẵng đạt được mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW và “các cơ chế đặc thù đúng nghĩa đặc thù” là nội dung cơ bản nhất mà người Đà Nẵng kỳ vọng ở nghị quyết lần này.
Đặc thù đúng nghĩa đặc thù tức là những cơ chế ưu đãi vượt trội phù hợp với lợi thế so sánh riêng có của từng địa phương và quan trọng hơn là những ưu đãi vượt trội chỉ dành cho một địa phương, theo ông Bùi Văn Tiếng.
Ông Tiếng đặc biệt nhấn mạnh việc Bộ Chính trị cho phép Đà Nẵng thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, và vấn đề thí điểm mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất.
“Nếu được cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị, có thể Đà Nẵng sẽ đồng hành với Hà Nội và thậm chí có thể học tập Hà Nội, nhưng mô hình chính quyền cảng mới là đặc thù đúng nghĩa của Đà Nẵng, nếu được cho phép thí điểm thực hiện, Đà Nẵng sẽ tạo nên những đột phá trong việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Tiếng nêu quan điểm.
Ông Trần Văn Lĩnh - nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì một nghị quyết như vậy giúp đỡ được rất nhiều cho đơn vị hành chính đó, ví dụ trước đây, Đà Nẵng có Nghị quyết 33 đã mở đường cho TP phát triển, gần đây TP Hồ Chí Minh khi có Nghị quyết mới cũng giúp thành phố có thêm bước phát triển mới, bây giờ là Đà Nẵng.
“Nghị quyết lần này khác lần trước (Nghị quyết 33) khi cụ thể hơn, định hướng cụ thể cho Đà Nẵng, chỉ rõ những việc như dự án nào, mở rộng logistics, các vấn đề về du lịch,…”, ông Lĩnh nói.
Theo vị này, nghị quyết phải được luật hóa, quy định bằng văn bản cụ thể của nhà nước, của Chính phủ. Chính phủ cần quy định mở tiếp theo bằng hàng loạt các văn bản, để không phải ai phải dính vào vòng lao lý. Có nghị quyết, có văn bản quy định rõ, quyền hạn cơ chế tới đâu.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Tiếng cho biết: trong điều kiện mới cần nhắc đến yếu tố con người – “đặc biệt là không thể thiếu cán bộ chiến lược có tâm có tầm” trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Đà Nẵng đã từng trải qua thời gian tụt hậu do bất cập về cán bộ chiến lược, về người đứng đầu địa phương.
Có thể bạn quan tâm
5 lĩnh vực mũi nhọn phát triển Đà Nẵng trong tầm nhìn 2045
04:18, 28/01/2019
Đà Nẵng: "Chính sách đặc thù" cần con người đặc biệt
07:15, 27/01/2019
2019 Thuế Đà Nẵng được giao thu xấp xỉ 23.500 tỷ
08:37, 26/01/2019
Du lịch Đà Nẵng và câu hỏi cách nào giữ chân du khách?
01:04, 25/01/2019
Đà Nẵng: Điểm sáng thu hút đầu tư công nghệ thông tin
16:27, 23/01/2019
Cũng theo ông Tiếng, Nghị quyết 43 đang vạch ra cho Đà Nẵng con đường để “phát triển bền vững”. Vì là phát triển bền vững nên không thể quy hoạch theo đầu tư mà phải đầu tư theo quy hoạch, đúng như tầm nhìn của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tại Tọa đàm mùa xuân 2018.
Không thể có phát triển bền vững khi tăng trưởng kinh tế không đi đôi với bảo tồn và phát triển văn hóa, không đồng hành với bảo đảm an sinh xã hội trong từng chủ trương chính sách. Không thể có phát triển bền vững nếu tăng trưởng kinh tế không đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm quốc phòng-an ninh, nhất là đối với một thành phố tiền tiêu có vị trí địa chính trị mang tầm chiến lược như Đà Nẵng.
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị vừa ban hành nêu rõ mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2045 của Đà Nẵng sẽ trở đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Nghị quyết của Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên và cả nước.
Các cơ chế, chính sách đặc thù cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể, đảm bảo tính tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; những việc đã rõ, được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm.
Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…Bộ Chính trị cho phép địa phương này có cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Bộ Chính trị đồng ý xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố và quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng thực sự đã đứng trước cánh cửa cho tầm phát triển mới, nhưng vẫn cần có thêm nhiều nỗ lực, sự chú trọng tiếp sau đó hay yếu tố con người để Đà Nẵng có thể bước qua cánh cửa vươn tầm châu lục.