Giải pháp nào để Đà Nẵng “hiện thực hóa” Nghị quyết 43?
Vấn đề bây giờ chúng ta phải bàn là cái gì kích thích cho Đà Nẵng phát triển?
Với quan điểm chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên...
Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 8.700 USD; tỉ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2%…
Tầm nhìn đến năm 2045 thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Câu hỏi đặt ra lúc này đó là hiện thực hoá mục tiêu trên khó hay dễ? "Chắc chắn khó" - một lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng đồng thời là tiến sĩ kinh tế khẳng định như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ở góc nhìn cụ thể hơn, ông Trần Văn Lĩnh - nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng) nêu vấn đề: "Nguồn lực nào, động lực nào để Đà Nẵng thực hiện thắng lợi Nghị quyết 43?"
Theo ông Lĩnh, thứ nhất, Đà Nẵng đang trở nên quá chật chội về mặt diện tích để có thể phát triển.
“Nếu thu từ đất để làm thì không còn nhiều vì đã bán khá nhiều. Thu từ công nghiệp thì mấy năm nay Đà Nẵng không phát triển mạnh được công nghiệp. Với du lịch hay thuế thu nhập thì càng khó. Ngay cả với Hội An, cả một địa phương làm du lịch nhưng thu ngân sách cũng không được nhiều”.
Dịch vụ hay ăn uống lại chỉ trả tiền mặt, phát triển du lịch nhưng các giao dịch liên quan thường không chuyển khoản, không thu được thuế nhiều năm nay đã là vấn đề đau đầu. "Việc phải hoàn thành là đương nhiên khi đặt ra trong Nghị quyết, nhưng nguồn thu từ đâu mới là vấn đề quan trọng?" - Ông Lĩnh đặt câu hỏi.
Thứ hai, môi trường phát triển. Theo ông Lĩnh, các khu công nghệp ở Đà Nẵng hiện nay gần như chỉ là kho trung chuyển, kho của các công ty ở các nơi. "Đà Nẵng đang trở nên quá chật chội" - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Theo đó, ngay cả nông nghiệp cũng không có nổi một vùng đất để tạo ra những vùng rau rộng cung cấp cho thành phố này. Đất nông nghiệp đang dần thu hẹp lại, người đánh cá cũng ít đi, trung tâm chợ cá hiện nay cũng chật chội để cung cấp cho thành phố và du khách.
Vẫn theo ông Trần Văn Lĩnh, Đà Nẵng đang đưa du lịch phát triển lên nhưng vấn đề lại là ngành này khó có nguồn thu cho ngân sách. Bao giờ cũng vậy, dịch vụ phải phát triển trên cơ sở của công nghiệp và nông nghiệp đã phát triển. Du khách đến không chỉ chơi mà ăn tiêu, mua những sản phẩm nhưng Đà Nẵng chưa có. Ngay các cửa hàng phục vụ du lịch bán đặc sản nhưng cũng ghi là đặc sản miền Trung, đá Non Nước cũng lấy đá từ các nơi khác…
Ông phân tích: Trung tâm có hai nghĩa, một là thu hút nguồn lực - tại đó có đầy đủ để chế biến nguồn lực đó, là những điều kiện về con người, vốn, đất đai, công nghệ,… Hai là ở đó thông qua hoạt động của nền sản xuất, vai trò trung tâm để tỏa đi các nơi, tạo động lực cho các nơi khác. Đà Nẵng bây giờ không có.
Vấn đề bây giờ chúng ta phải bàn là cái gì kích thích cho Đà Nẵng phát triển? - sau khi giao trách nhiệm, khát vọng. Vai trò của “nguồn lực” – là điều được ông Lĩnh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng trước “ngưỡng cửa” phát triển mới
17:12, 28/01/2019
5 lĩnh vực mũi nhọn phát triển Đà Nẵng trong tầm nhìn 2045
04:18, 28/01/2019
Trước đó, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về sự kiện ra đời của Nghị quyết 43, ông Lĩnh đánh giá rằng, trong điều kiện hiện nay một nghị quyết như vậy giúp đỡ được rất nhiều cho đơn vị hành chính.
Theo vị này, nghị quyết phải được luật hóa, quy định bằng văn bản cụ thể của nhà nước, của Chính phủ. Chính phủ cần quy định mở tiếp theo bằng hàng loạt các văn bản, để không phải ai phải dính vào vòng lao lý. Có nghị quyết, có văn bản quy định rõ, quyền hạn cơ chế tới đâu.
Tài nguyên đất có vai trò đặc biệt trong câu chuyện này. Ông Lĩnh đơn cử, đất đai của thành phố đang được bán cho tư nhân chỉ làm giàu cho tư nhân mà chưa thật sự làm giàu cho Đà Nẵng. Như Công viên châu Á chiếm nhiều đất nhưng là một công trình không thu hút lắm.
Mơ ước là một chuyện nhưng sẽ khó, và không phải ngẫu nhiên có người đề nghị nhập lại với Quảng Nam, hay mở rộng Đông Giang, Tây Giang, Điện Bàn. Để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, để làm nền tảng sản xuất cho dịch vụ du lịch bay bổng lên, nghị quyết, ước mơ cần phải được tiếp tục bằng nhiều việc sau đó.
Một lãnh đạo của Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng cho biết, để tổng kết Nghị quyết 33 phải mất gần 2 năm Đà Nẵng mới có được cơ chế đặc thù. Bây giờ Nghị quyết 43 được ban hành, thành phố đang cho triển khai, xác định cái gì là đặc thù cho Đà Nẵng, tốt nhất cho Đà Nẵng để thực hiện.
Vị này cũng nói thêm rằng, muốn triển khai thì thành phố phải rất nỗ lực, kể từ cấp lãnh đạo xuống và quan trọng nhất là xây dựng dựa vào Nghị quyết này cái lợi thế cho thành phố như các đề án thí điểm công nghệ cao…