Khát vọng Việt Nam

BBT 05/02/2019 05:00

Dự báo năm 2019, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU cũng tạo áp lực lớn. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong năm tới rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải nỗ lực cao hơn, mang trong mình nhiều hơn khát vọng, niềm tự hào dân tộc để cùng nhau đưa đất nước ta vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: 2019 phải hơn 2018 trên tất cả phương diện

Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay. Đời sống của người dân được cải thiện nhiều mặt. So với tình hình phức tạp, bất ổn ở nhiều nơi thì đất nước rất thanh bình, ổn định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi đâu cũng được quý trọng, từ nước lớn tới nước nhỏ, nước xa tới nước gần.

Về phương hướng nhiệm vụ sắp tới cần tập trung ưu tiên vào những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất.

Hai là, quan tâm hơn nữa và có biện pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa đối với việc xây dựng và phát triển có hiệu quả văn hóa, xã hội, xây dựng con người theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương về lĩnh vực này.

Hiện nay chúng ta đang đứng trước bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, càng cần đặc biệt coi trọng lĩnh vực này; cố gắng sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua.

Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

Bốn là, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam tại WEF 2019

    07:12, 25/01/2019

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững

    08:54, 18/01/2019

  • Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cách mạng 4.0 tạo "điểm gãy" chuyển đổi số và tạo đà tăng trưởng

    16:10, 17/01/2019

  • Tăng trưởng 6,6 – 6,8% năm 2019 là mục tiêu hợp lý!

    05:00, 17/01/2019

  • Standard Chartered: Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,9% năm 2019

    01:30, 17/01/2019

  • 8 giải pháp trọng tâm hiện thực mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2019

    11:00, 28/12/2018

  • Tăng trưởng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua

    14:30, 27/12/2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá!

Chúng ta xác định rõ năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực. Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá", Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 01 và 02 ngày 01/01/2019 với một số nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành:

Thứ nhất, tập trung phát triển kinh tế; chú trọng củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ hơn nữa các chính sách kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững theo hướng "không để ai ở lại phía sau".

Thứ ba, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai.Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản, đá, cát, sỏi trái phép. Phòng, chống sạt lở bờ sông, suối, ven biển, kè sông, kè suối biên giới ở những vị trí xung yếu.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm quy định về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện.

Thứ năm, tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại. Tiếp tục xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia theo đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu "các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"...

Thứ sáu, đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Phát triển bền vững là con đường tất yếu

Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Để triển khai trên thực tế chương trình phát triển bền vững, bảo đảm thực thi các mục tiêu phát triển bền vững nói trên, Quốc hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện các thiết chế quản trị Nhà nước.

Trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quan trọng vì sự phát triển bền vững đã ban hành mới và sửa đổi bổ sung hơn 300 đạo luật, ban hành Hiến pháp năm 2013. Quốc hội thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện Quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; các chính sách, phương án đầu tư cho y tế địa phương, phục vụ cho đồng bào dân tộc miền núi hoặc đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới mô hình để đảm bảo phát triển bền vững…

Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các công ước, điều ước quốc tế. Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của người dân về các mục tiêu phát triển bền vững và sự cần thiết của việc lồng ghép các mục tiêu này, đưa các Mục tiêu phát triển bền vững trở thành các mục tiêu quốc gia trong dài hạn; qua đó huy động các nguồn lực và sự tham gia của người dân vào việc thực hiện các mục tiêu.

Ý chí "Lạc Hồng"

Khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng luôn cháy bỏng trong mỗi con tim của người dân "con Lạc cháu Hồng" suốt chiều dài 4.000 năm hình thành và phát triển đất nước.

Mặc dù, kinh tế năm 2018 tăng trưởng đáng mừng. Chính phủ hoàn thành 12/12 chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, quy mô GDP đạt 245 tỷ, 2.580 USD/người, tăng gần 200 USD. Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương, mức thu nhập bình quân đầu người hơn 2.500 USD không có gì quá phấn khởi, “phải là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập bình quân người dân thấp như thế”.

Kế thừa thành tựu hơn 30 năm đổi mới và tiếp tục đà phát triển thuận lợi những năm gần đây, tiềm lực đất nước vững mạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và những khó khăn, thách thức lớn. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp. Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Ứng dụng công nghệ cao ở nhiều ngành, lĩnh vực còn hạn chế.

Năm 2019 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực. Đây cùng là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư tưởng và mong muốn của Người, mỗi người con dân đất Việt đều cần có tầm nhìn rộng mở, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Tại nhiều sự kiện gần đây, Người đứng đầu Chính phủ đã đề cập tới mục tiêu, tầm nhìn dài hạn. Theo đó, đến năm 2045- mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Tại một hội nghị đầu năm 2018, Thủ tướng cũng đã đặt vấn đề “Việt Nam phấn đấu trở thành một con hổ kinh tế mới, tại sao lại không?”.

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, vai trò cực kỳ quan trọng là khát vọng vươn lên hùng cường, thịnh vượng, của tinh thần dân tộc. Những yếu tố này sẽ mãi mãi là sức mạnh hạt nhân của chúng ta, là yếu tố quyết định ý Đảng, lòng dân, là chất keo làm nên tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, là ý chí của “Con Lạc cháu Hồng” đã từng tạo ra biết bao kỳ tích lịch sử và sẽ tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới cho chặng đường phát triển phía trước.

BBT

BBT