Lắng nghe để hành động
Lắng nghe tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là mệnh lệnh chính trị cho một chính quyền mà còn là cách thức giúp cải thiện chất lượng quản trị quốc gia một cách hiệu quả.
Như thành thông lệ, những năm gần đây, trước hoặc ngay sau Xuân về, Chính phủ thường ban hành các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiêu biểu là 5 Nghị quyết (đều mang số 19 từ năm 2014 đến năm 2018), Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 139 về giảm chi phí, phí cho doanh nghiệp…
Những nhiệm vụ cụ thể
Cộng đồng doanh nghiệp ngày đầu từ chỗ còn dè dặt đến nay đã tin tưởng hơn ở quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh với hình ảnh ví von là "trên nóng".
Họ tin không vì các tuyên bố khá mạnh mẽ trong các từ ngữ của Nghị quyết như phương châm hành động 10 chữ của Chính phủ năm 2018 là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” (Nghị quyết 19/2018) hay bổ sung từ “bứt phá” thành 12 chữ của Nghị quyết 02/2019. Họ tin vì các Nghị quyết này đã giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ rất cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, tư pháp, hiệp hội doanh nghiệp… những mục tiêu phải đạt, những việc phải làm. Thay cho các ngôn từ sáo rỗng, rất quen thuộc trong các Nghị quyết trước đây khiến người nghe nhàm chán như "tăng cường, nâng cao, đẩy mạnh..." thì nay, thay vào đó là các mục tiêu cụ thể, con số cụ thể.
Đơn cử, Việt Nam phải cải thiện được bao nhiêu bậc trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia, phải đứng ở vị trí nào trong nhóm các nước ASEAN về môi trường kinh doanh thuận lợi hoặc đến năm 2020, phải giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo Khảo sát PCI hoặc qui định rất cụ thể là không được thanh kiểm tra doanh nghiệp quá một lần trong năm…
Chúng ta cần một bộ máy được dẫn dắt bởi các chính trị gia tài năng, trong sạch, nhiệt huyết được vận hành bởi một đội ngũ công chức tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Rõ ràng đã có một sự thay đổi khá rõ nét và đúng hướng trong quản trị quốc gia đối với doanh nghiệp, trong việc định vị được vai trò kiến tạo và phát triển của Nhà nước. Đó là Nhà nước biết mình cần làm gì để thị trường, doanh nghiệp được phát triển, cạnh tranh, minh bạch, thuận lợi, chi phí thấp, thu hút nhà đầu tư, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ tài sản và quyền sở hữu... Đó là cách tiếp cận từ việc biết lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thông qua các khảo sát điều tra như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số về xây dựng và thi hành pháp luật của một số bộ ngành (MEI), Chỉ số PAPI của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay Chỉ số cải cách hành chính PAR Index của Bộ Nội vụ… Lắng nghe tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là mệnh lệnh chính trị cho một chính quyền mà còn là cách thức giúp cải thiện chất lượng quản trị quốc gia một cách hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Chìa khoá nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics
06:20, 01/01/2019
Cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia tạo "bứt phá" cho năm 2019
14:11, 28/12/2018
Đâu là khâu yếu nhất trong năng lực cạnh tranh của Việt Nam?
05:21, 21/10/2018
Việt Nam, FDI và năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế
00:49, 17/10/2018
Giảm giá có giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp?
04:23, 23/08/2018
"Doanh nghiệp là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia"
09:42, 05/07/2018
Tự ép mình vào cuộc đua toàn cầu
Việt Nam đã là một quốc gia hội nhập rất sâu rộng với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với các điều kiện, tiêu chuẩn gần như cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do hiện có như CPTPP, EVFTA… Các con số về kỷ lục kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, về số quốc gia có quan hệ thương mại với VN... cho ta thấy Chính phủ cũng đã lắng nghe tiếng nói của các nhà đầu tư nước ngoài, tham khảo các tiêu chuẩn về môi trường kinh doanh mà thông lệ thế giới xây dựng cho một quốc gia cạnh tranh (ví dụ như 144 chỉ số thành phần từ 12 trụ cột cạnh tranh trong Năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn kinh tế thế giới hay hàng trăm chỉ số khác về thuận lợi hóa thương mại của WB, chỉ số sở hữu trí tuệ của WIPO, chỉ số Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, chỉ số chống tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế TI…).
Từ đó, căn cứ vào yêu cầu cải cách trong nước, Chính phủ đã giao từng bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm cụ thể trong việc cải thiện các chỉ số này. Đây cũng là một điểm mới trong phương thức điều hành quản trị của Chính phủ thời hội nhập, tham khảo vận dụng cái hay, cái chung trong cuộc chơi toàn cầu, “tự ép” mình vào cuộc chơi đó, kiên quyết đua tranh trong các bảng xếp hạng quốc tế để cải cách vì lợi ích của quốc gia, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Để khuyến khích phát triển doanh nghiệp, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã biết doanh nghiệp họ muốn gì. Theo hướng này, những năm gần đây, chúng ta thấy rõ Chính phủ đã đề ra các giải pháp giải quyết các khó khăn cơ bản, nhiều năm của doanh nghiệp (đất đai, vốn, nhân lực, thủ tục hành chính, thanh kiểm tra, phí và chi phí…). Từ đó, Chính phủ định ra mục tiêu, mỗi năm chọn một nhóm vấn đề trọng tâm cần giải quyết, ví dụ giảm dần thanh kiểm tra chồng chéo, chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự đến việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không hợp lý, giảm dần phí lệ phí, chống tham nhũng lớn và tham nhũng vặt, song song với việc kịp thời giải quyết các trường hợp nóng bất ổn, làm xấu môi trường kinh doanh (như vụ quán cà phê Xin chào, vụ đổi 100 đô la Mỹ…) đến việc lớn và lâu dài hơn là công nhận và thực thi chính sách phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, bình đẳng, cạnh tranh và hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Thực hiện tốt chính sách này, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng không gian phát triển còn rất mở, động lực phát triển còn rất lớn, nguồn lực phát triển còn rất dồi dào, khả năng sáng tạo của người dân, doanh nghiệp còn rất cao.
Bắt đúng bệnh về môi trường kinh doanh, khả năng cạnh tranh không phải là quá khó, một khi chúng ta biết lắng nghe, chân thành và trách nhiệm. Giải pháp để giải quyết vấn đề cũng không phải là một cửa ải khó qua bởi chúng ta đã có hiểu biết, kinh nghiệm trong nước và thực tiễn quốc tế. Vấn đề khó nhất, tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua là quyết tâm hành động mà tiên phong là ở bộ máy chính quyền, chúng ta cần một bộ máy được dẫn dắt bởi các chính trị gia tài năng, trong sạch, nhiệt huyết được vận hành bởi một đội ngũ công chức tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp để từ đó chuyển được năng lượng tích cực từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp.
Còn đến lượt mình, các chủ thể này được phát huy khả năng sáng tạo, được giải phóng nguồn lực từ các chính sách đúng, sẽ cộng hưởng với chính quyền, lo gì kinh tế xã hội Việt Nam sẽ không tiếp tục thành công?