Du lịch miền Trung: Cần giải quyết tình trạng manh mún!
Các chuyên gia cùng đồng quan điểm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần tăng cường tính liên kết trong phát triển.
Năm 2018 lượng khách du lịch đến với khu vực miền Trung và Tây Nguyên khá lớn với 56 triệu lượt khách, chiếm khoảng 60% của cả nước; trong đó, khách quốc tế chiếm hơn 54% cả nước. Nhưng nguồn thu từ du lịch chỉ đạt 116.000 tỉ đồng, chiếm 18,75% của cả nước; giải quyết việc làm cho khoảng 180.000 lao động. Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2017-2018 nhận định: Vùng miền Trung- Tây Nguyên có nhiều lợi thế về du lịch nhưng lại gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong phát triển ngành.
Tại Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” diễn ra ngày 16/2, TS. Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết sau 8 năm tổ chức điều phối vùng miền kinh tế trọng điểm miền Trung thì phát triển du lịch nằm trong nhóm mục tiêu trọng tâm.
Theo ông, du lịch là ngành mũi nhọn nhưng là ngành kinh tế tổng hợp- tự thân không phát triển được, phải được gắn với toàn bộ thế mạnh, tiềm năng phát triển của vùng. Ông ví von, miền Trung như máng xối và Tây Nguyên như mái nhà nếu gắn kết chặt chẽ sẽ tạo ra hiệu quả to lớn. TS. Trần Du Lịch cho rằng chúng ta cần thay đổi tư duy, cụ thể “chuyển tư duy phát triển điểm du lịch sang vùng du lịch”, tạo tính liên kết phát triển, giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay.
Qua quan sát, ông nhận định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng và càng quan trọng hơn trong ngành du lịch, “đặcbiệt dường như những con sếu đầu đàn tại các điểm nhấn du lịch là những doanh nghiệp tư nhân”. Vì vậy, “nếu có chính sách để những con sếu này gắn kết được với dân cư, doanh nghiệp nhỏ tạo tính lan tỏa toàn bộ thì chúng ta có thế mạnh ghê gớm đúng nghĩa về liên kết phát triển”.
Luận điểm “miền Trung mạnh nhất là mạnh ai nấy làm” được TS. Trần Đình Thiên khẳng định lại tại hội nghị lần này và theo ông, điểm yếu này tồn tại cả trong ngành du lịch. “Điều này dẫn đến các thế mạnh không phát huy được” và dễ dẫn đến thỏa mãn, tuy nhiên, Tiến sĩ cho biết trước hết phải giải quyết được những vấn đề về thể chế, chính sách chung.
Đồng quan điểm với các chuyên gia tại diễn đàn, TS. Trần Đình Thiên khẳng định về tầm nhìn, du lịch là ngành mũi nhọn buộc chúng ta phải thay đổi tư duy, “không phải là câu chuyện dựa trên khai thác tài nguyên, cần giải quyết tình trạng manh mún” trong chiến lược, kế hoạch phát triển . “Miền Trung nên có quyền tự chủ cần thiết để bàn với nhau về liên kết, nên cần giao quyền lực và trách nhiệm rõ ràng cho các địa phương”.
Câu nói “Người Việt không dám dấn thân trừ khi hoàn cảnh bắt buộc” được TS. Thiên trích dẫn, theo đó, không nên kêu gọi tinh thần tự giác mà phải tạo ra hoàn cảnh và liên tục gây áp lực để may ra cải cách được, đổi mới được, để miền Trung bứt phá cũng nên cần “gia tăng áp lực chứ không phải ban tặng lời khen”.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành cùng các tỉnh, thành khu vực miền Trung- Tây Nguyên và phối hợp với các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ các chính sách để tạo thuận lợi cho sự phát triển du lịch của khu vực. Dự kiến trong năm 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón 30-32 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 45 tỉ USD.
Bộ trưởng nhấn mạnh đặc biệt quan trọng là cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch: về hình thức hợp tác, cần phát huy các liên kết đang phát huy hiệu quả từng vùng như Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam; Thanh Hóa- Nghệ An- Hà Tĩnh…để làm điển hình và tính nhân rộng, chủ động cho liên kết vùng cho khu vực. Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ chế hợp tác quốc tế qua hành lang kinh tế Đông Tây; Tam giam phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam. Về nội dung, cần tập trung liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, mỗi địa phương vừa là một đối tác vừa là cạnh tranh để phát huy lợi thế, quan trọng là xác định yếu tố đặc thù của từng địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tạo thành hình ảnh tổng thể của sản phẩm du lịch đặc trưng từng vùng kết hợp đan xen, bổ trợ cho các khu vực tạo thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.
Bộ trưởng cho rằng, cần sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư để dẫn dắt và tạo ra sự bứt phá.