Kế hoạch thích ứng CPTPP (Kỳ II): Hành động từ phía cơ quan nhà nước
Chính phủ cần tận dụng được động lực từ CPTPP để cải cách, tạo bước ngoặt trong hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo ra sức bật cho nền kinh tế.
Trước một CPTPP đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, chuẩn bị sẵn sàng cho CPTPP không chỉ là câu chuyện về tận dụng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa, mà bao trùm hơn, đó còn là câu chuyện rà soát sửa đổi pháp luật, thể chế kinh tế cho phù hợp với các tiêu chuẩn cao này, đồng thời bảo đảm tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều này đòi hỏi những hành động thiết thực cả từ phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp đón bắt
Từ góc độ cơ quan nhà nước, công việc trước hết cần phải tuyên truyền phổ biến về CPTPP.
Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế không hẳn như vậy. Văn kiện CPTPP đã công bố từ 2 năm nay (do đa phần nội dung giống TPP), nhưng đến nay khó có thể khẳng định các cơ quan ban ngành đều hiểu về các cam kết TPP liên quan tới mình.
Cùng với đó là việc tuyên truyền phổ biến cam kết, phân tích các cơ hội và thách thức từ các cam kết CPTPP cho các doanh nghiệp. Tìm hiểu thông tin trước hết là nhu cầu tự thân, đòi hỏi sự chủ động của doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, với một Hiệp định phức tạp mà chỉ một vài cán bộ cụ thể trực tiếp đi đàm phán mới có thể hiểu cốt lõi nội dung và những hàm ý đằng sau con chữ, với một cộng đồng mà 98% là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ xưa nay pháp luật nội địa còn chưa nắm rõ, không thể thiếu bàn tay và hành động tích cực của Chính phủ, các cơ quan Bộ ngành trong việc hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền CPTPP đến các doanh nghiệp. Nói cách khác, không có sự bắt đầu từ Nhà nước, sẽ không có kết quả từ doanh nghiệp.
Đây là thách thức rất lớn, nếu biết rằng các FTA trước đây đơn giản hơn nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Nhìn từ tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA đã ký chỉ loanh quanh mức 30%, mà cũng phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có thể thấy số cơ hội bị bỏ lỡ là rất đáng kể.
Như vậy, ở bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động tìm hiểu, chủ động hành động có lẽ là cách thức bắt buộc để doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng được cơ hội từ CPTPP.
Thứ hai là cần tiến hành rà soát, điều chỉnh pháp luật để phù hợp cam kết, linh hoạt theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nội địa. Quá trình này cần được thực hiện minh bạch, đồng bộ và đặt trong sự tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể có được các chính sách, pháp luật vừa phù hợp cam kết, vừa có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Kế hoạch thích ứng CPTPP (Kỳ I): Cơ hội chuyển đổi mô hình của doanh nghiệp
11:00, 17/02/2019
Sắp có hướng dẫn về thuế CPTPP
11:05, 17/02/2019
Thêm nhiều nước xem xét tham gia CPTPP
03:06, 18/02/2019
Doanh nghiệp Việt vẫn "hụt hơi' với CPTPP
11:00, 15/02/2019
Quyền khởi kiện và những lưu ý của doanh nghiệp trong CPTPP
06:30, 08/02/2019
Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ "đối diện" với CPTPP thế nào
04:31, 07/02/2019
Triển vọng dòng vốn FDI năm 2019 khi CPTPP có hiệu lực
05:59, 06/02/2019
Tận dụng động lực từ CPTTP
Mở rộng hơn, Chính phủ cần tận dụng được động lực từ CPTPP để cải cách, tạo bước ngoặt trong hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo ra sức bật cho nền kinh tế. Những cải cách này không phải là từ yêu cầu cam kết mà là từ nhu cầu nội tại của chính chúng ta. Bên cạnh đó, còn một vấn đề khác quan trọng nhưng dường như chưa từng được nói tới: Đó là, việc lên kế hoạch cho các chính sách, quy định nhằm ứng phó với các tác động thể chế bất lợi có thể có từ thực thi CPTPP.
Ví dụ, thiếu hụt khoản thuế nhập khẩu từ CPTPP sẽ được bù đắp bằng cách thức nào? Liệu người dân, doanh nghiệp có phải trả giá bằng những loại thuế mới hay các mức thuế cao hơn hiện tại không? Hay CPTPP khiến một bộ phận lao động, dân cư chuyển dịch từ khu vực này sang khu vực khác – vậy các dự kiến về cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm đã được dự kiến như thế nào để sự chuyển dịch này được suôn sẻ?
Từ góc độ thể chế, để bảo vệ lợi ích của mình trong lâu dài, đặc biệt trên thị trường nội địa trước áp lực thay đổi chính sách, pháp luật theo yêu cầu CPTPP, doanh nghiệp cần chủ động tham gia sâu và hiệu quả vào quá trình các cơ quan Nhà nước nội luật hóa các cam kết CPTPP. Đây là việc mà các doanh nghiệp đơn lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, không thể thực hiện được.
Trực tiếp cấp tập là vậy, nhưng hành động thường xuyên và bền vững hơn, quan trọng hơn tất thảy vẫn là việc doanh nghiệp phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, của sản phẩm hàng hóa dịch vụ mình cung cấp. Chỉ khi có năng lực cạnh tranh tốt, cơ hội mới có thể được tận dụng triệt để nhất, thách thức mới có thể xử lý gọn gàng nhất, không chỉ với CPTPP mà với tất cả các hoạt động hội nhập nói chung. Mà chuyện cạnh tranh này, với mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp lại đòi hỏi những hành động khác nhau.
Do đó doanh nghiệp trước hết cần ý thức được tầm quan trọng của công việc này, sau đó là phải liên kết với nhau, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để vận động và có tiếng nói hiệu quả trong quá trình này.
Từ góc độ của các hiệp hội doanh nghiệp – những cầu nối giữa doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với thị trường, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, vai trò của các đơn vị này càng cần phải được phát huy trong quá trình thực thi CPTPP.