Tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL: Cần thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ”!

Thụy Du 26/02/2019 12:28

Đây là ý kiến của ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL năm 2019, diễn ra sáng nay (26/2).

ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Ông Hoan cho biết, tiêu thụ lúa đông xuân ĐBSCL đang là vấn đề “nóng” bởi hiện tại giá lúa tuy có tăng nhẹ, nhưng vẫn rất thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa khó khăn đầu ra, vừa không có đủ  hạn mức tín dụng để  thu mua lúa cho nông dân.

Thủ tướng Chính phủ vừa có những chỉ đạo các bộ, ngành liên quan gấp rút hành động để xử lý một tình huống “chẳng đặng đừng”, đó là giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân. Theo quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, điều này là cần thiết để cứu nông dân, nhưng về lâu dài, ông đề nghị cần phải thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng liên quan đến sinh kế của hàng chục triệu người ĐBSCL.

Ông cho biết, đến nay ông vẫn bị ám ảnh bởi tài liệu của Ngân hàng thế giới về “Toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam - giảm chi phí, tăng chất lượng”. Theo tài liệu này, nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi lời nguyền “chi phí cao, chất lượng kém”.

Để vượt qua “lời nguyền” đó, ông Hoan cho rằng "không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy HTX là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy còn những rào cản về thể chế, nhưng Đồng Tháp đã, đang và sẽ kiên trì hướng đến mục tiêu đó trên nền các hơn 60 Hội quán nông dân - tiền đề để  phát triển HTX”.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng khẳng định "giải cứu" lúa gạo bằng biện pháp thị trường

    18:18, 19/02/2019

  • Tăng hạn mức vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho doanh nghiệp "giải cứu" lúa gạo

    14:00, 19/02/2019

  • Chính phủ họp khẩn về lúa gạo giảm giá sâu tại ĐBSCL

    08:30, 19/02/2019

  • Xuất khẩu rau quả đã “vượt mặt" lúa gạo

    05:33, 06/07/2017

  • Nông dân làm lúa gạo không thể “tự bơi” trong cơ chế thị trường

    07:35, 28/03/2017

  • Tái cơ cấu ngành lúa gạo: Nghìn tỷ vẫn... xa vời

    09:49, 27/10/2016

Theo ông, triết lý của HTX là lợi thế dựa trên quy mô. Quy mô HTX càng lớn, thành viên HTX càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung, tăng khả năng thích ứng với thị  trường và năng lực đàm phán nhờ  bán chung. Sản xuất chung một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản.

"HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ  nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng.

HTX không chỉ  hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX, vừa hỗ trợ  nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên HTX và người dân nông thôn.

Như vậy, nông dân vừa thu về được lợi nhuận từ sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng, đồng thời và quan trọng hơn, là lợi ích nhận được từ giảm được chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.

HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp". - Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm.

Do đó, ông đề nghị cần tách HTX nông nghiệp thành một Nghị định riêng, tiến dần đến ban hành Luật về HTX nông nghiệp. Và chúng ta không nên đặt mục tiêu huy động tăng trưởng của khu vực kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào GDP của nền kinh tế ít nhất trong 5-10 năm tới.

HTX có vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi giá trị như định hướng của nhiều doanh nghiệp và đềề xuất của nhiều chuyên gia tâm huyết với ngành hàng lúa gạo.

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL mở ra tầm nhìn chiến lược cho ngành nông nghiệp. Trong đó có ngành hàng lúa gạo. Giảm diện tích trồng lúa là chủ trương hoàn toàn phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và xu thế của thị trường. Nhưng cần cụ thể hoá chủ trương này thành kế hoạch và các chính sách hỗ trợ cần thiết.

“Chúng ta không để chuyển rủi ro từ ngành hàng lúa gạo sang rủi ro ngành hàng nông sản khác. Tuy nhiên, tất cả lại đang trông chờ vào bản quy hoạch tích hợp. Con đường xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt, theo nhiều chuyên gia, phải mất nhiều năm và đang phụ  thuộc vào một chiến lược được định hình từ quy hoạch ngành hàng lúa gạo trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước.

Một chiến lược dài hạn không thể thực thi khi tư duy mùa vụ của nông dân và tư duy thương vụ của doanh nghiệp còn tồn tại. Thương hiệu hạt gạo không thể xây dựng trên nền tảng niềm tin giữa người nông dân và doanh nghiệp phập phù qua từng vụ mùa như trong thời gian qua. Tư duy “cả hai cùng thắng” phải chi phối cách nghĩ của cả doanh nghiệp và người nông dân”. – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nêu ý kiến.

Theo ông Hoan, chuỗi ngành hàng phải được hình thành dựa trên niềm tin của từng đối tác trong chuỗi đó. Niềm tin chỉ có được khi thông tin thị trường đầy đủ, minh bạch, không bị méo mó vì những lý do lợi ích cục bộ. Vai trò “dẫn dắt thị  trường” của doanh nghiệp là điều kiện cần và điều kiện đủ là người sản xuất phải được chia sẻ đầy đủ  thông tin đó.

Tuy còn nhiều trắc trở, nhưng chúng ta cần biến thách thức thành thời cơ để tái cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo cho một vùng trọng điểm với hơn 10 triệu nông dân trồng lúa.

Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL năm 2019, ông Hoan đề nghị các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, nhất là 2 đơn vị chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2 cùng ngồi lại với các địa phương có diện tích sản xuất lúa trọng điểm để cùng hoạch định tầm nhìn chiến lược dài hạn. Tôi đọc được đâu đó, các doanh nghiệp cần đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp. Tôi hy vọng điều đó sẽ được các doanh nghiệp ngồi ở đây cùng chia sẻ triết lý sâu xa này.

"Dẫu biết rằng thị trường luôn không bằng phẳng, dẫu biết rằng doanh nghiệp cũng kinh doanh vì lợi nhuận, nhưng hơn mười triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL mong sao bớt đi sự phập phù, thắc thỏm qua từng mùa vụ”. – ông Hoan nói.

Thụy Du