[DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045] Năng suất lao động: “Đôi cánh” của nền kinh tế

Nguyễn Việt thực hiện 10/03/2019 00:50

Năng suất, chất lượng, hiệu quả là “đôi cánh” của nền kinh tế, nó có thể chắp cánh để một nền kinh tế có thể vươn cao và bay xa.

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long với báo DĐDN khi trao đổi về Tầm nhìn quốc gia năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố mới đây.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, mục tiêu 2045 GDP bình quân đầu người 2030 đạt ít nhất 18.000 USD (theo giá PPP năm 2011) - là sự kỳ vọng rất lớn của người đứng đầu Chính phủ, khi mong muốn Việt Nam sớm cất cánh và bước vào hàng ngũ các nước phát triển trong một tương lai không xa. Tuy nhiên, để thực hiện được ước mơ này không đơn giản, cần tất cả mọi thành phần cùng chung tay xây đắp mới có thể đạt được.

br class=

Năng suất lao động của Việt Nam từ 2011 đến 2018. (Nguồn Tổng cục Thống kê. Đơn vị: triệu đồng/lao động)

- Liệu kỳ vọng này có quá sức chúng ta không, thưa ông?

Như chúng ta đã thấy, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp nhưng đã không thành công.

Tầm nhìn chiến lược của một quốc gia thể hiện ở GDP bình quân đầu người. Tại Việt Nam, quy mô này hiện mới chỉ ở mức 250 tỷ USD/năm, bình quân đầu người năm 2018 là 2.584 USD/người/năm. Mục tiêu trong kế hoạch 2000 -2025 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3.500 USD, nhưng đến nay chúng ta mới đạt trên 2.500 USD, trong khi mỗi năm chỉ tăng 170 USD/người/năm.

Với tầm nhìn Việt Nam 2030, 2045, GDP bình quân đầu người 2030 đạt ít nhất 18.000 USD (theo giá PPP năm 2011), tương đương với Malaysia vào năm 2010, trong khi mức thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2018 mới đạt khoảng 2.584 USD/người/năm, thì bản thân nền kinh tế phải biết thực lực của mình đang ở đâu, điểm mạnh – yếu chỗ nào. Và muốn có đột phá thì phải có những giải pháp cụ thể ngày từ bây giờ.

- Vậy theo ông, đâu là điểm mạnh - yếu của chúng ta?

Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức - cũng là điểm yếu, cụ thể là vấn đề về cải cách thể chế, năng suất lao động, xây dựng nguồn lực lao động có chất lượng, kỹ năng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khả năng thích ứng với những thách thức từ công nghệ, phát triển kinh tế tư nhân và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, điều quan trọng nhất từ trước đến nay chưa được chú ý, đó là năng suất lao động. Điều này được thể hiện bằng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Cho nên cần phải có một đề án tập trung sâu vào mảng này. Năng suất, chất lượng, hiệu quả là đôi cánh của nền kinh tế, chắp cánh để một nền kinh tế có thể vươn cao và bay xa.

- Vậy, ông có đề xuất giải pháp gì để Việt Nam có để đạt được kỳ vọng như trong tầm nhìn 2030 – 2045 đã đặt ra?

Thứ nhất, tạo lập môi trường thể chế thúc đẩy tăng năng suất lao động. Theo đó, thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh; điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, chủ động; tăng cường hiệu quả phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực nói chung và nguồn nhân lực nói riêng một cách hiệu quả, qua đó, thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội.

Thứ hai, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Thứ ba, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Người phương Tây từng ví von năng suất lao động là đôi cánh của một nền kinh tế, còn Karl Marx thì nói, năng suất lao động là nhân tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một chế độ xã hội. Xã hội này phát triển hơn xã hội khác là bởi họ biết tạo ra năng suất lao động cao hơn.

Hiện nay chúng ta cũng đã có cải thiện năng suất lao động nhưng tôi nhận thấy vẫn còn rất mờ nhạt. Hay như thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhưng việc đổi mới, sáng tạo phải làm sao đưa được năng suất lên cao hơn mới thật sự có ý nghĩa và quyết định sự thành công của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên công bố tầm nhìn quốc gia 2030, 2045. Vậy phải làm gì để đạt được mục tiêu trong tầm nhìn ấy? Câu trả lời sẽ được trao đổi tại Diễn đàn “Tầm nhìn 2045 và hành động của Việt Nam” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. BBT mong nhận được bài viết của các chuyên gia, doanh nghiệp và độc giả tại: tamnhin2045@dddn.com.vn.  

Nguyễn Việt thực hiện