Trục liên thông văn bản quốc gia: Bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ

Nguyễn Long 12/03/2019 14:47

Trục liên thông văn bản quốc gia đi vào hoạt động là bước đi quan trọng hình thành nên một Chính phủ không giấy tờ, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí.

Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức đi vào hoạt động

Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức đi vào hoạt động

Chiều nay (12/3), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương và các vị khách quốc tế... đã tham gia lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Trước đó ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg quy định về việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Theo đó, Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ VPCP tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Trục liên thông văn bản quốc gia là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử tiến tới thay văn bản giấy. Theo đó, lần đầu tiên vai trò của của Trục liên thông văn bản quốc gia được định nghĩa chính thức".

Ông cũng cho biết, Trục liên thông văn bản quốc gia là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử.

Khẩn trương thực hiện quyết định nêu trên của Thủ tướng, ngay trong tháng 7/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai gồm 13 nhiệm vụ thuộc các nhóm nội dung: Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia; hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy định phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống và sao lưu văn bản điện tử; tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc…

Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông - ông Nguyễn Thành Hưng cho hay, trong thời gian qua Bộ đã chủ động phối hợp cùng Chính phủ xây dựng ban hành một số tiêu chuẩn, quy chuẩn hành lang pháp lý cho việc gửi nhận văn bản điện tử. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản Trục liên thông đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với hệ thống thông tin cấp độ 4. Tuy nhiên công tác đánh giá, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên và định kỳ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viettel cũng như các đơn vị phát triển các hệ thống quản lý văn bản cần khẩn trương hỗ trợ, nâng cấp cho các bộ, các tỉnh để có thể đáp ứng được việc gửi-nhận văn bản điện tử xuyên suốt các cấp từ TƯ đến địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Trưởng Ban tổ chức TW, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban cơ yếu, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch TGĐ Viettel, ông Trần Mạnh Hùng Chủ tịch Tập đoàn VNPT và ông Ousmane Dione Giám đốc WorlBank Việt Nam ấn nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ ngành ấn nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

Năm 2019, mục tiêu mà Chính phủ chỉ đạo và VPCP đang hết sức nỗ lực thúc đẩy là: Hoàn thành Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia; vận hành Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet); ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với tất cả các cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đưa ra mục tiêu phải hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử; đến năm 2025, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về xếp hạng Chính phủ điện tử.

Có thể nói, trong bối cảnh các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương được triển khai trên nhiều nền tảng kỹ thuật công nghệ khác nhau, phát triển trên các hệ điều hành khác nhau, chưa được kết nối với nhau, việc xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia có chức năng kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương là hết sức cần thiết.

Điều này sẽ giúp Chính phủ giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước hàng năm, góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên văn bản giấy sang nền hành chính văn bản điện tử; đồng thời góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Nguyễn Long