Hệ lụy từ cách giật tít câu view trong truyền thông
Thời gian qua đã có một số báo điện tử dùng từ ngữ thiếu chuẩn mực liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như “thánh soi”, “thánh phán”, “thánh chửi”...
Là người phụ trách về lĩnh vực thông tin phật giáo, hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự - Trưởng ban thông tin truyền thông Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam rất quan tâm đến những vấn đề báo chí và các phương tiện truyền thông đề cập đến phật giáo nói chung và các hoạt động của giáo hội phật giáo nói riêng.
Theo thống kê, hàng năm có khoảng 10.000 tin, bài của các cơ quan báo chí, các loại hình báo chí đề cập về phật giáo, đặc biệt là các báo điện tử đã có những tin, bài rất tốt.
Giật title “rùng rợn”
Tuy nhiên, theo hòa thượng Thích Gia Quang, cũng như một số câu chuyện ngoài xã hội, đôi khi có những đề tài rất bình thường liên quan đến phật giáo lại trở thành những đề tài giật gân, thậm chí có những bài báo do chưa am hiểu sâu về phật giáo hoặc do câu like, câu view để câu khách đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người tu sĩ phật giáo.
Có thể bạn quan tâm
Bế mạc Hội báo Toàn quốc 2019
15:23, 17/03/2019
Đang có sự lệch chuẩn truyền thông về văn hóa giải trí
16:31, 16/03/2019
Báo chí ở "tuyến đầu" xây dựng các chuẩn mực văn hoá ứng xử
14:40, 16/03/2019
Thủ tướng Chính phủ đánh trống khai mạc Hội báo Toàn quốc năm 2019
12:23, 15/03/2019
Khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2019
10:26, 15/03/2019
Hòa thương nêu ví dụ, tại Trà Vinh có sự việc một người Khmer vào chùa để sinh hoạt tôn giáo theo phong tục tập quán của người Khmer, đó là tín đồ phải có một khoảng thời gian vào chùa để thực hành tín ngưỡng. Người Khmer đó trong thời gian vào chùa đã phạm tội giết người. Vụ việc này theo hòa thương Thích Gia Quang là việc công dân phạm tội, không liên quan đến chức sắc phật giáo hay người tu hành. Nhưng đã có một số báo giật title “rùng rợn” như sư thầy giết người yêu, yểm bùa xác vì không chịu phá thai... Sự việc này diễn ra vào năm 2017 ở huyện Châu Thành – Trà Vinh.
“Do đó, khi viết về tôn giáo, thì từ chỗ phê bình một sự việc cụ thể lại sa đà và bị cho rằng xúc phạm giáo lý, xúc phạm niềm tin tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng của người dân hay hình ảnh của một tổ chức tôn giáo”, hòa thượng Thích Gia Quang nói.
Chia sẻ về một số gán ghép từ ngữ “linh tinh” vào một số người trẻ khi vi phạm về văn hóa tín ngưỡng, trong một hội nghị các chức sắc, chức việt tiêu biểu của một địa phương, một vị chức sắc tôn giáo đã tỏ ra khó chịu khi một số báo điện tử thời gian qua đã dùng từ ngữ thiếu chuẩn mực liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Đó là các từ như “thánh soi”, “thánh phán”, “thánh chửi”, trên một số báo điện tử có các tiêu đề “phục sát đất thánh soi, thánh phán”, “thánh phán đoán đâu được đấy”, “thánh chửi bán hàng online”...
Vị chức sắc này lý giải, thánh là một từ để chỉ bậc siêu nhân với hàm ý rất trân trọng, tôn kính của một số tín ngưỡng tôn giáo. Nói đến thánh là người ta dễ liên tưởng ngay tới những bậc hiền triết anh minh, những nhân vật có phép màu nhiệm siêu đẳng, những đấng tối cao toàn năng... mà mình phải có bổn phận tôn thờ, ngưỡng vọng, chiêm bái với một ý thức thiêng liêng với tâm thế thành kính nhất.
“Tát nước theo mưa” và sự đơn giản trong nhận thức
Người ta thường từ “thánh” để nói về các bậc hiền nhân như thánh Khổng, thánh Tản Viên, thánh A la, hay gắn từ “thánh” với một số từ mang hàm ý trọng vọng như thánh nhân, thánh hiền, tức là người có đạo đức tài năng siêu việt được cộng đồng nể trọng. Từ “thánh thượng” dùng để tôn xưng nhà vua, “thánh chỉ” từ tôn xưng mệnh lệnh của nhà vua, “thánh cung” nơi thờ thánh, “thánh sống” ý muốn nói người có tài năng đặc biệt và “thánh sư” là ông tổ dựng lên một môn học hay một ngành nghề nào đó.
Còn từ “soi” ở đây được hiểu là tò mò, thóc mách, “phán” có nghĩa là phán đoán, phán xét, phê phán, “chửi” có nghĩa thông tục là nhố nhăng, bậy bạ. Người ta vẫn thường nhắc nhở nhau rằng, phải tránh xa những kẻ chỉ thích soi mói, chọc gậy bánh xe, đâm bị thóc chọc bị gạo hay cũng không nên gần gũi với những kẻ phán nhăng phán cuội, phán lung tung, cái gì cũng phán, bạ đâu phán đấy.
Theo ông Nguyễn Văn Hải - báo Quân đội Nhân dân, những từ “thánh phán”, “thánh soi”, “thánh chửi” ban đầu chỉ có trên mạng xã hội, nhưng một số người cầm bút vì đơn giản trong nhận thức nên cũng “tát nước theo mưa” cùng cư dân mạng, rồi đưa ra những từ ngữ thiếu chuẩn mực đó lên mặt báo.
Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng, trong truyền thông báo chí, ngoài việc tuân thủ pháp luật nói chung, luật báo chí nói riêng, còn có đạo đức nghề nghiệp. Cả 3 bình diện đó đều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chuẩn mực văn hóa ứng xử của báo chí trong truyền thông. Điều này cho thấy tầm quan trọng của báo chí, truyền thông với xã hội và theo quy luật điều gì càng có vai trò quan trọng thi chuẩn mực văn hóa ứng xử càng phải được đề cao, thậm chí phải được đề cao tới mức tối đa, coi đó là thước đo hàng đầu của nghề nghiệp và tính chất nghề nghiệp của báo chí, truyền thông.