Kiến nghị Thông tư 02 chỉ áp dụng với đơn vị kinh doanh thức ăn chăn nuôi
Đây là kiến nghị điều chỉnh được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đưa ra sau khi “xem xét tính hợp pháp” của Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT.
Nói về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “thể chế là số một” và trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Vướng mắc văn bản tới… ách tắc đời sống
Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục yêu cầu các Bộ, cơ quan cần chống tình trạng cài cắm công vụ, thủ tục, ‘gói ghém’ lợi ích cục bộ vào các văn bản, nhưng thời gian qua, nhiều văn bản và đề xuất chính sách vẫn gây những tranh cãi, thậm chí phản ứng từ phía người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đơn cử, ngay sau Dự thảo tiêu chuẩn về quy trình sản xuất nước mắm được chỉ định dừng thì một văn bản khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại tiếp tục gây tranh cãi, phản ứng sau khi đã được ban hành chứ không còn là dự thảo.
Cụ thể, Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” có hiệu lực từ ngày 11/02 lại không đề cập tới nhiều loại nguyên liệu mà người dân, trong tập quán vẫn sử dụng cho việc chăn nuôi, như thỏ ăn khoai tây, lá khoai, sắn, rau muống; cho lợn ăn bèo tây, thân chuối…
Theo các chuyên gia, điểm bất hợp lý của Thông tư 02/2019 nằm ở chỗ áp dụng phương pháp quản lý “chọn cho”, tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, thay vì “chọn bỏ”, tức là được làm tất cả những gì luật không cấm. Các chuyên gia khuyến nghị, Bộ chỉ cần đưa ra danh mục thức ăn chăn nuối cấm lưu hành, người dân sẽ chỉ phải tránh những thức ăn bị cấm, còn lại họ sẽ được thoải mái sử dụng.
Được biết, mới đây nhất, ngày 19/3, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức cuộc họp để bàn thảo về Thông tư 02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi bước đầu nhận thấy một số nội dung của Thông tư này “cần phải xem xét thêm về tính hợp pháp”.
Theo những thông tin mới nhất, sau cuộc họp này, Bộ Tư pháp đã kiến nghị sửa đổi về phạm vi điều chỉnh của Thông tư, theo đó Thông tư chỉ áp dụng đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mà không điều chỉnh thức ăn chăn nuôi theo tập quán, nguyên liệu đơn mà người chăn nuôi tự sản xuất, sử dụng trong nội bộ các nông hộ chăn nuôi…
Có thể bạn quan tâm
Ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi: Người dân không được nuôi lợn bằng bèo, thân chuối
06:36, 12/03/2019
Thông tư cấm dùng bèo tây, thân chuối nuôi lợn có bị "tuýt còi"?
13:30, 15/03/2019
Nâng cao chất lượng nhân lực xây dựng luật
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Thông tư 02/2019 “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam”. Thông tư đính kèm “danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành”.
Theo đó 18 loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi được Bộ cho phép lưu hành gồm: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô, phụ phẩm công nghệ chế biến các loại ngũ cốc DDGS, mía, các loại củ, các loại bã, thức ăn có nguồn gốc thủy sản, thức ăn có nguồn gốc động vật trên cạn, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu mỡ, dầu cá.
Quy định này có thể hiểu những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm lưu hành.
Điều đó đồng nghĩa với việc những sản phẩm thức ăn chăn nuôi vốn rất thông dụng là rau củ quả như cà rốt, rau muống (trừ khoai, sắn) hay bèo, thân chuối… sẽ không được phép lưu hành.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định Thông tư 02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất bất hợp lí bởi đang áp dụng phương pháp quản lý “chọn cho”, tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Trong khi đó, theo lý giải của ông Đức thức ăn chăn nuôi theo tập quán là thứ người dân vẫn sử dụng từ trước đến nay, không cần bất kỳ một cơ quan nhà nước nào cho phép cả. Nếu việc sử dụng thức ăn chăn nuôi theo tập quán của người dân có vấn đề gì ảnh hưởng đến xã hội thì Nhà nước chỉ nên hạn chế hoặc cấm đúng loại thức ăn đó thôi.
“Rất khó hiểu vì sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại ban hành danh mục những thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành. Vậy chẳng lẽ toàn bộ trí tuệ xã hội bị đóng khung trong hiểu biết của nhà làm luật?”, ông Đức bình luận.
“Trong trường hợp này, tôi cho rằng, thay vì danh mục các danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành ban soạn thảo chỉ cần đưa ra danh mục thức ăn chăn nuối cấm được phép lưu hành. Như vậy, với danh mục cấm này, người dân sẽ chỉ phải tránh những thức ăn bị cấm, còn lại họ sẽ được thoải mái sử dụng”, ông Đức nói
Đáng chú ý, vị chuyên gia pháp chế này còn chỉ ra một điểm bất thường của Thông tư 02/2019. Đó là dự thảo thông tư được đăng trên website của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn từ ngày 10/1/2019, sau 60 ngày, tức 11/3/2019 mới hết hạn lấy ý kiến, vậy mà 11/2/2019 Bộ đã ký ban hành.
Như vậy, rõ ràng, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, hoạt động của người dân, doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trong các lĩnh vực liên quan.
Để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chuyên gia đề nghị cần tập trung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Những vấn đề cấp thiết của đời sống, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, việc đánh giá tác động trong quá trình xây dựng chính sách là rất cần thiết, đúng như tinh thần của Thủ tướng trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2019.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, các Bộ, cơ quan ngang bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội”.