Đón cơ hội dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc

Nguyễn Hoàng 22/03/2019 18:12

Các chuyên gia dự báo, trong xu thế dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, các nước ASEAN có cơ hội tạo thêm khoảng 280-615 tỷ USD trong GDP hàng năm đến năm 2030.

Tại buổi tọa đàm “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cơ hội thách thức với doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức mới đây tại Quảng Nam, PGS. TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho biết trong gần 30 năm đổi mới, từ 1990 đến nay, Việt Nam mất 10 năm xử lý khủng hoảng kinh tế xã hội (KTXH) và phục hồi phát triển kinh tế (1997- 1999 và 2009-2015). Cho đến nay, kinh tế vẫn chưa phục hồi; hậu quả của khủng hoảng, của quản trị yếu kém, vẫn chưa khắc phục hết. Những thành tựu đạt được của giai đoạn 1990-2006 đã bị xói mòn đáng kể trong các năm 2008-2014 (giai đoạn khủng hoảng và khắc phục khủng hoảng).

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, sau 30 năm đổi mới, các doanh nghiệp Việt Nam cơ bản vẫn là “đội thuyền thúng ra khơi”, nhận thức về kinh tế thị trường chậm thay đổi, không coi phát triển các thị trường và các lực lượng thị trường là nhiệm vụ chiến lược trung tâm...

Hiệp Hội doanh nghiệp Quảng Nam tổ chức tọa đàm “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cơ hội thách thức với doanh nghiệp Việt Nam”

Hiệp Hội doanh nghiệp Quảng Nam tổ chức tọa đàm “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cơ hội thách thức với doanh nghiệp Việt Nam”

Trong khi đó, thế giới thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc, mang tính lịch sử - thời đại. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia phải đổi mới tư duy chiến lược vươn lên một tầm mới (mục tiêu, cách tiếp cận và giải pháp), mà đối với Việt Nam, yêu cầu chuyển sang một chiến lược FDI mới là hết sức cấp bách. Đây là một trong những yếu tố quyết định triển vọng đạt các mục tiêu phát triển cao – không lỡ chuyến tàu công nghệ 4.0, sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại, thoát nhanh khỏi tình trạng tụt hậu phát triển.

Năm 2010, Trung Quốc trở thành nước chế tạo lớn nhất thế giới. Năm 2013 là nước xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất. Năm 2014 là nền kinh tế lớn nhất… Trung Quốc đã tiến vào trung tâm vũ đài thế giới, phát huy tác dụng lãnh đạo toàn cầu. Thực lực kinh tế, thực lực khoa học kỹ thuật và quốc lực tổng hợp của Trung Quốc đã lần lượt vượt Mỹ vào các năm 2012, 2013 và 2015. Đến 2016, ba sức mạnh này của Trung Quốc so với Mỹ bằng 1,15 lần, 1,31 lần và 1,36 lần, đứng thứ nhất thế giới. 

Tuy nhiên cách tiếp cận của Mỹ là chọn điểm bất ngờ nhất để khai chiến: nhìn thấy điểm yếu của kinh tế Trung Quốc ở chỗ Trung Quốc và thế giới vốn cho là mạnh - đó là xuất siêu.  

chuỗi cung ứng – sản xuất toàn cầu có sự dịch chuyển mạnh - đây là cơ hội với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai gần..

Chuỗi cung ứng – sản xuất toàn cầu có sự dịch chuyển mạnh - đây là cơ hội với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai gần...

Theo phân tích của ông Thiên, xu hướng “đẩy” đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc đã có trước khi bùng nổ chiến tranh thương mại, khi Trung Quốc cảm thấy mình đã đủ trưởng thành, đủ mạnh, có thể tự chủ vươn lên về KHCN (các công ty Nhật, Hàn Quốc và Mỹ ra đi).

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc mới 7 tháng nhưng đã tác động rất lớn đến kinh tế thế giới và Trung Quốc. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài “tháo chạy” khỏi Trung Quốc và đầu tư ra nước ngoài của nước này cũng bị hạn chế. Đồng nhân dân tệ mất giá 9-10%, thị trường chứng khoán lao dốc (mất 3.000 tỷ USD giá trị thị trường), tốc độ tăng trưởng giảm...

Trong khi đó, phản ứng của thế giới là “hợp tung – liên hoành”, nỗ lực thoát khỏi “bẫy nợ”, ngăn chặn đầu tư – mua lại và hạn chế đầu tư vào đất nước tỷ dân.

Hệ quả cuộc chiến là trên thế giới xuất hiện các xu hướng dịch chuyển đầu tư cơ bản như: Rút đầu tư từ Trung Quốc về Mỹ (chỉ những tập đoàn lớn, công nghệ cao). Chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang chỗ khác... Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ số PMI tháng 10 tăng từ 51,5 lên 53,9 điểm, với số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng 3 tháng liên tiếp.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ - Trung: Từ cuộc chiến thương mại đến đấu trường công nghệ

    06:30, 22/01/2019

  • Cẩn trọng dư thừa đầu tư nước ngoài khi Mỹ - Trung dừng cuộc chiến thương mại

    06:30, 03/12/2018

  • Dệt may Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại?

    03:30, 02/12/2018

  • Quy tắc xuất xứ hàng hóa: Chìa khóa để doanh nghiệp hưởng lợi trong CPTPP

    06:36, 08/03/2019

  • Hàng Việt tăng cơ hội vào các thị trường tiềm năng khi tham gia CPTPP

    01:00, 21/03/2019

Với một thế giới mà kết nối ngày càng nhiều hơn, một khối lượng lớn hàng hóa, dịch vụ, vốn, con người và dữ liệu sẽ lưu chuyển qua biên giới. Nếu phát triển được một ngành công nghiệp chế tạo có năng lực cạnh tranh, thu hút được chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc (do chi phí lao động tăng, do đối đầu và bảo hộ, tương quan Mỹ - Trung Quốc, các quốc gia khác….), các nước ASEAN có cơ hội tạo thêm khoảng 280-615 tỷ USD trong GDP hàng năm đến năm 2030. Vậy vấn đề được đặt ra là Việt Nam có thể tận dụng được bao nhiêu trong xu hướng này?

PGS. TS Trần Đình Thiên cũng như TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã chỉ ra lợi thế và thách thức của Việt Nam, đó là giá đối với các sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ khi mà hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đang phải chịu thuế.

"Trong buối cảnh này, Việt Nam thu hút được sự quan tâm cả về chiến thuật và chiến lược từ các tập đoàn đa quốc gia trong kế hoạch đầu tư và sản xuất của họ", PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh và cho biết thêm, các đối tác thương mại lớn như EU, Nhật Bản xúc tiến mạnh mẽ hơn các nỗ lực tự do hóa thương mại song phương và đa phương mang lại lợi ích cho Việt Nam, ví dụ: EVFTA, CPTPP...

Nguyễn Hoàng