Biển nuốt rừng phòng hộ: Ảnh hưởng sinh kế, phát triển du lịch
Theo tính toán, mỗi năm biển xâm thực vào khu vực đất liền dọc bờ biển thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hàng chục mét, gây nhiễm mặn hàng chục ha đất sản xuất.
Nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh kế của người dân và định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới là rất lớn.
Cấp thiết kiên cố hóa đê biển
Hiện nay, sự an toàn tại các khu dân cư mỗi mùa mưa bão đang là mối lo lắng cho chính quyền nơi đây. Khi có dự báo mưa bão, phương án của chính quyền địa phương là di dời tạm thời người dân đi lánh nạn nơi khác. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, người dân và chính quyền nơi đây mong muốn kiên cố hóa hệ thống đê biển để đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo, toàn thị xã Kỳ Anh có hơn 31km đê biển trong đó đã kiên cố hóa được hơn 11km, hiện có gần 20km vẫn là đê đất. Dọc tuyến đê đất này vừa là vùng dân sinh, vừa gắn với sinh kế của người dân, trong đó vùng sản xuất nuôi trồng thủy hải sản đều nằm dọc bờ biển như Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi…
Có thể bạn quan tâm
Hà Tĩnh: Biển nuốt chửng rừng phòng hộ, dân “mất ăn mất ngủ”, bỏ làng di tán
11:18, 19/03/2019
Hà Tĩnh: Đính chính bằng hướng dẫn “ngầm” sau khi bị tố "ép" giáo viên mua bảo hiểm trái luật?
06:30, 18/03/2019
Hà Tĩnh: Xóm “4 không” giữa lòng thành phố
14:06, 14/03/2019
Hà Tĩnh: Kỳ lạ công văn yêu cầu đóng bảo hiểm tự nguyện của phòng Giáo dục đào tạo
15:06, 12/03/2019
Ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch Thị xã Kỳ Anh cho biết: “Tình trạng biển xâm thực trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nặng nhất là địa bàn xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Nam... Có những nơi nước biển lấn vào đất liền vào hàng trăm mét, hàng chục héc ta diện tích rừng cây phi lao chắn cát bị xóa sổ, gần 100ha diện tích đất sản xuất lúa của người dân cũng bị nhiễm mặn”.
Cũng theo ông Vĩnh, trước sự xâm thực nặng nề dọc bờ biển, thị xã đã di dời được 23 ngôi mộ nằm phía sát biển tại xã Kỳ Lợi lên vùng nghĩa trang mới. Hiện vẫn còn hơn 150 ngôi mộ đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi. Hàng trăm hộ dân chỉ còn cách bờ biển khoảng 100m, nếu có sóng lớn hoặc cơn bão như bão số 10 năm 2017 vừa qua thì sẽ đe dọa rất lớn đến dân cư và sinh kế của người dân.
Hiện nay nhiều địa phương rất cần kiên cố hóa đê biển để đảm bảo tính mạng, sinh kế của người dân cũng như phát triển du lịch. Ngoài yếu tố thiên nhiên thì dọc tuyến biển thị xã Kỳ Anh có lượng tàu thuyền ra vào khu kinh tế Vũng Áng rất lớn cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến quá trình xâm thực.
“Việc kiên cố hóa tuyến đê biển đang rất cần thiết, nó vừa bảo vệ dân sinh, bảo vệ đất sản xuất, vừa phát huy được quy hoạch xây dựng khu đô thị du lịch ven biển, du lịch tâm linh, nhất là địa bàn xã Kỳ Ninh, Kỳ Lợi. Ngoài ra, việc nạo vét dọc cửa sông Kỳ Ninh và Kỳ Hà sẽ góp phần phát triển nghề đi biển của hai địa phương này, bởi đây là địa phương chủ yếu mưu sinh bằng nghề đi biển”, ông Vĩnh nói.
Chưa có nguồn kinh phí
Nói về tình hình cấp bách, ông Vĩnh thông tin thêm: “Trước mắt có khoảng 10km đê biển đang rất cần thiết được kiên cố hóa. Chính quyền đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng hiện vẫn phải chờ nguồn kinh phí”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Những năm gần đây do tình trạng biến đổi khí hậu khiến nhiều địa phương bị nước biển xâm thực, đặc biệt ở một số vùng sâu như Cửa Hội (Nghi Xuân), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Cửa khẩu Kỳ Ninh, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh)…”.
Theo ông Hợi, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc này, tuy nhiên nguồn kinh phí để đầu tư cho việc xâm lấn bờ biển là rất lớn. Tỉnh đã có báo cáo với Trung ương và các bộ ngành để có kinh phí khắc phục. Năm vừa qua, địa phương được Trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng phục vụ việc gia cố đê biển. Tỉnh chỉ đạo rào soát và ưu tiên những vùng cấp bách trước, nhất là những vùng có khu dân cư hoặc có công trình trọng điểm. Sau khi rà soát, địa phương thống nhất ưu tiên gia cố, nâng cấp và nạo vét đoạn Cửa Hội, Kỳ Nam và khu vực Cửa Sót.
“Riêng đối với Kỳ Ninh đã có nhiều đoàn vào kiểm tra, tỉnh đã có văn bản chính thức báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhưng hiện nay chưa có nguồn kinh phí. Hằng năm, ngành lâm nghiệp có dự án trồng cây phi lao chắn sóng, đây là giải pháp phi công trình làm giảm nguy cơ xâm thực chứ không thể chống chế triệt để. Về lâu dài vẫn cần kiên cố hóa để tránh tình trạng xâm thực đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng”, ông Hợi nói.