Cách tiếp cận trong Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi không phù hợp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng khẳng định Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi có cách tiếp cận không phù hợp, cần sửa đổi.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trong buổi kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
5.400 tấn cá "mắc cạn" vì vướng Thông tư 21
13:48, 01/04/2019
Nặng tư duy thích quản lý, thích cho phép
11:30, 20/03/2019
Thông tư cấm dùng bèo tây, thân chuối nuôi lợn có bị "tuýt còi"?
13:30, 15/03/2019
Ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi: Người dân không được nuôi lợn bằng bèo, thân chuối
06:36, 12/03/2019
Thông tư 02 không áp dụng với thức ăn tự cung tự cấp của nông hộ
Tại buổi làm việc tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến về Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi gây xôn xao dư luận thời gian qua với những quy định như lợn không được ăn cây chuối, thỏ không được ăn cà rốt…
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi giải thích rằng quy định này chỉ áp dụng với thức ăn sản xuất thương mại chứ không áp dụng với các thức ăn tự cung tự cấp của nông hộ.
Ông khẳng định quy định của Thông tư “hoàn toàn đang vì doanh nghiệp, tạo cơ chế rất tốt”. Dù vậy, ông cũng cho biết sẽ sửa đổi Thông tư này theo hướng điều chỉnh phạm vi áp dụng cho phù hợp hơn, theo cách hiểu như trên.
Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác không đồng tình nếu Bộ chỉ điều chỉnh như vậy. “Vấn đề ở đây là do cách tiếp cận, quy định “chọn cho” tức là người dân chỉ được làm những gì luật cho phép thì sẽ dẫn tới bỏ sót thôi. Cần quy định “chọn bỏ”, tức là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu quan điểm và đề nghị Bộ sửa Thông tư 02 theo hướng này.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tiếp thu ý kiến về nhiều vấn đề khác liên quan tới thủ tục, chi phí khảo nghiệm giống vật nuôi, đăng ký thuốc thú y, khảo nghiệm phân bón, kiểm dịch thực vật…
Nâng cao chất lượng nhân lực xây dựng luật
Được biết, mới đây nhất, ngày 19/3, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức cuộc họp để bàn thảo về Thông tư 02/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi bước đầu nhận thấy một số nội dung của Thông tư này “cần phải xem xét thêm về tính hợp pháp”.
Theo những thông tin mới nhất, sau cuộc họp này, Bộ Tư pháp đã kiến nghị sửa đổi về phạm vi điều chỉnh của Thông tư, theo đó Thông tư chỉ áp dụng đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mà không điều chỉnh thức ăn chăn nuôi theo tập quán, nguyên liệu đơn mà người chăn nuôi tự sản xuất, sử dụng trong nội bộ các nông hộ chăn nuôi…
Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) khẳng định: Thông tư 02/2019 “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam… vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành với nhiều quy định gây tranh cãi như: thỏ không được ăn cà rốt, lợn không được ăn bèo Tây… đang đi ngược lại tinh thần Hiến pháp.
“Mặc dù, không có quy định cụ thể nào về việc cấm thỏ ăn cà rốt, cấm lợn ăn bèo tây trong Thông tư 02/2019. Tuy nhiên, việc không đưa cà rốt và bèo tây... vào Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt nam thể hiện sự hạn chế của cách làm chính sách và tư duy quản lý”, ông Dũng nói.
Theo quan điểm của ông Dũng, làm chính sách theo kiểu như vậy không chỉ chứa đựng rủi ro không liệt kê hết những thứ cần phải cho phép, mà còn hạn chế quyền tự do, sáng tạo của người dân.
“Nên chăng Thông tư 02/2019 cần được sửa đổi theo hướng cấm sử dụng một số loại thức ăn chăn nuôi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng, còn các loại thức ăn chăn nuôi khác thì người dân có quyền tự do sử dụng”, ông Dũng khẳng định.
Từ đó, ông Dũng cho rằng về lâu dài, chúng ta nên nâng cao chất lượng làm luật.
"Về tổng thể, để nâng cao chất lượng làm luật, chúng ta còn phải làm khá nhiều việc. Trước tiên, chúng ta cần xây dựng một hệ nhận thức đúng đắn về vị trí vai trò của điều chỉnh trong quản trị quốc gia. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được một quy trình lập pháp chuẩn.
Cùng với đó là vấn đề nâng cao năng lực cả hoạch định chính sách và soạn thảo văn bản (năng lực của Chính phủ và các bộ ngành), cả thẩm định chính sách và thông qua văn bản (năng lực của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội). Chúng ta phải đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao về đánh giá tác động của chính sách, về soạn thảo văn pháp luật; Nâng cao năng lực tổ chức và tham vấn ý kiến công chúng; Nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật", ông Dũng nói.