PAPI 2018: Nhiều quan ngại về đói nghèo và tham nhũng
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được công bố cho thấy đói nghèo và tham nhũng vẫn là vấn đề mà đa số người trả lời câu hỏi trong PAPI 2018 quan ngại.
Sáng nay (2/4), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đã được công bố.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh tăng 21 bậc trong Chỉ số PAPI 2017
17:45, 05/04/2018
PAPI 2017: Rất ít người dân tiếp cận cổng thông tin điện tử địa phương
11:01, 04/04/2018
Cần Thơ dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI
08:00, 08/04/2017
Đói nghèo vẫn là vấn đề được quan tâm
Theo đó, đói nghèo và chống tham nhũng chính là vấn đề được quan tâm. Mặc dù, năm 2018 Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP “kỷ lục” 7,08%, song nhiều người dân vẫn tiếp tục quan ngại về đói nghèo, coi đây là "vấn đề hệ trọng nhất".
Theo Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), khi được hỏi về những vấn đề hệ trong nhất trong năm 2018 cần Nhà nước tập trung giải quyết, đói nghèo tiếp tục là vấn đề được niều người lựa chọn nhất (25% số người được hỏi). Tuy nhiên, khi so sánh kết quả khảo sát câu hỏi này của năm 2018 với các năm trước, mối quan ngại về tham nhũng, tăng trưởng kinh tế, an ninh-trật tự và chất lượng giáo dục lại có tỷ lệ gia tăng nhiều hơn. Đặc biệt so với kết quả 2015, mối quan ngại về môi trường năm 2018 đã gia tăng đột biến.
“Kết quả khảo sát PAPI 2018 cho thấy, đa số người dân ủng hộ bảo vệ môi trường cho dù phải hy sinh tăng trưởng kinh tế. Hơn 50% số người được hỏi cho rằng chất lượng nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt hiện nay kém hơn 3 năm trước", ông Giang nhấn mạnh.
Nỗ lực chống tham nhũng cấp xã phường được đánh giá cao hơn cấp quốc gia
Theo kết quả này, có gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.
Trong số một loạt các vấn đề quan ngại người dân đã nêu, đói nghèo đứng đầu danh sách với tỷ lệ người trả lời cho rằng đây là vấn đề hệ trọng nhất ở mức cao nhất trong suốt bốn năm qua. Kết quả phân tích dữ liệu cũng cho thấy bất bình đẳng thu nhập là yếu tố tác động tới việc người dân cho rằng xóa đói, giảm nghèo nên được ưu tiên.
Kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy mức, độ ủng hộ đóng thêm thuế để Nhà nước có nguồn lực tái phân bổ cho các địa phương còn nghèo khá cao, đặc biệt trong nhóm những người có thu nhập cao và những người có trình độ học vấn cao hơn. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn quốc, có tới 90% dân số có mức thu nhập dưới 20 triệu đồng/người/tháng, và tỷ lệ người có mức thu nhập cao rất thấp. Do đó, chính sách tăng thu thuế phục vụ tái phân bổ ngân sách cho các địa phương còn nghèo cần được thiết kế hết sức cẩn trọng và thảo luận hết sức cởi mở để không gây bất bình và thiệt thòi cho những người có thu nhập thấp.
Một yếu tố tác động bậc nhất tới mức độ hài lòng của người dân với nền quản trị và hành chính công có lẽ là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Kết quả khảo sát PAPI 2018 cho thấy dấu hiệu khá tích cực. Người dân có cảm nhận vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể. Tuy nhiên, "lót tay" để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm.
Bên cạnh đó, mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.
Kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2018 cũng cho thấy tác động môi trường ảnh hưởng lớn tới việc người dân ở mọi tầng lớp xã hội ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ môi trường. Nhìn chung, người dân sẵn sàng đóng góp để có được điều kiện môi sinh trong lành hơn. Người dân cũng chào đón dự án đầu tư thân thiện với môi trường hơn dự án đầu tư có thể đem đến nhiều việc làm hay đóng thuế cao hơn cho chính quyền địa phương song lại trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Hơn nữa, người dân sẵn sàng trả thêm tiền điện để có được năng lượng điện sạch (sử dụng nhiên liệu tái tạo) miễn sao dự án phát điện mới giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí và giảm khả năng bị cắt/cúp điện.
Chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam. Báo cáo PAPI 2018 được thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của 14.304 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc trong năm 2018. Từ 2009 đến 2018, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 117.363 lượt người dân thông qua phỏng vấn trực tiếp. Từ năm 2018, PAPI gồm 8 chỉ số nội dung, gồm sáu chỉ số nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công); hai chỉ số nội dung mới (quản trị môi trường và quản trị điện tử). |