Vì sao ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2019?
Với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8%.
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của Báo cáo "Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019". Trong đó, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
Phân tích về cơ sở dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì. Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”.
Theo đó, tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng như công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa cao.
Báo cáo của ADB cũng chỉ ra, việc tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại. Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ năm 2018 và dự kiến hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu sắp diễn ra cũng là các nhân tố kích thích đầu tư trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh mà Việt Nam mang lại.
Các hiệp định thương mại này thể hiện rằng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mở cửa nền kinh tế. Chính phủ đề ra mục tiêu thành lập thêm 140.000 doanh nghiệp trong năm 2019, là tín hiệu tốt đối với cả hoạt động xuất khẩu, dòng vốn FDI và đầu tư tư nhân nói chung. Triển vọng tiêu dùng cá nhân vẫn tiếp tục mạnh mẽ nhờ các hộ gia đình cải thiện thu nhập và tình hình lạm phát ổn định. Hoạt động đầu tư sẽ được hỗ trợ từ việc gia tăng chi tiêu đầu tư công trong năm nay và năm tới nhằm hoàn thànhcác mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.
Phân tích cụ thể xét theo ngành kinh tế, Báo cáo đã cho thấy, tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng sẽ chậm lại song vẫn được duy trì ở mức khá mạnh, với luồng vốn FDI đáng kể sẽ đổ vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu. Chỉ số quản trị mua hàng cho thấy xu hướng gia tăng đơn hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tác. Khu vực dịch vụ trong năm 2019 sẽ được hưởng lợi nhờ thương mại bán buôn và bán lẻ cũng như ngân hàng và tài chính tiếp tục tăng trưởng tốt.
Số lượt khách du lịch đến Việt Nam dự báo sẽ tăng 16%/năm trong cả năm nay và năm sau, mặc dù có chậm lại so với mức tăng trong năm 2018, đây sẽ là nguồn hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế liên quan đến du lịch như khách sạn, nhà hàng và giao thông vận tải. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng trưởng sát với mục tiêu chính phủ đề ra là 3,0%/năm.
Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019 sẽ giúp giảm áp lực đối với đồng Việt Nam và tình hình lạm phát, tương tự như tác động của giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu.
Thặng dự tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thu hẹp xuống mức tương đương 2,5% GDP trong năm nay, và tiếp tục xuống 2,0% trong năm 2020 khi hoạt động xuất khẩu giảm sút do nhu cầu thế giới giảm, nhưng tốc độ giảm nhập khẩu sẽ chậm hơn vì đầu tư và tiêu dùng nội địa vẫn cao. Tình hình kiều hối cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi. Nếu tình trạng căng thẳng thương mại giữa Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) và Hoa Kỳ tiếp tục kéo dài, Việt Nam có thể có lợi khi hoạt động thương mại và sản xuất chuyển dịch từ CHNDTH sang các nước láng giềng trong khu vực, làm GDP tăng thêm đến 2,0% trong trung hạn đến dài hạn, vượt ra ngoài khuôn khổ dự báo.
Ngoài ra Báo cáo của ADB tin tưởng Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện củng cố tài khoá, kể cả với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng. Bởi mục tiêu của Chính phủ đề ra là giữ bội chi ngân sách ở mức tương đương 3,6% GDP trong năm nay, và giảm xuống thấp hơn trong năm 2020. Để thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, dự toán ngân sách năm 2019 đề ra chi đầu tư tăng7,4%,chi thường xuyên dự kiến tăng 7,2%.
Với việc giảm tốc độ tăng trưởng GDP và kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng trong các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 sẽ được duy trì dưới mức 14,0% của năm ngoái. Tiến trình giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn ra trong năm 2019 và 2020. Trong đó, bao gồm cả số nợ đang được quản lý bởi Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam và các khoản nợ có vấn đề khác vẫn chưa được phân loại thành nợ xấu – sẽ giảm xuống mức dưới 5% tổng dư nợ của ngân hàng trong năm 2019 và 3% trong năm 2020. Điều này sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng trở nên ổn định và hiệu quả hơn, cũng nhưviệc thực hiện các chuẩn mực Basel II và nới lỏng hạn chế đối với tỉ lệ sở hữu ngân hàng của nhà đầu tư ngoại.
Báo cáo ADB cũng chỉ ra, yếu tố rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh hơn, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Theo đó, rủi ro về phía trong nước có thể đến từ tiến độ chậm chạp của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Kết quả cổ phần hoá DNNN trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ đề ra là cổ phần hóaít nhất 85 doanh nghiệp. Việc thành lập Uỷ ban Quản lý Vốn nhà nước trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ đảm bảo sử dụng vốn nhà nước một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu những mâu thuẫn phát sinh từ việc nhà nước đóng vai trò kép – vừa là chủ sở hữu vừa là cơ quan quản lý.
"Bằng cách tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân và giảm bớt sự méo mó thị trường, Chính phủ hy vọng sẽ tạo ra sự khuyến khích lớn hơn cho doanh nghiệp tư nhân", ADB khuyến nghị.