Băn khoăn chào bán chứng khoán riêng lẻ doanh nghiệp Startup
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị làm rõ thêm nội dung liên quan đến chào báo chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), bà Nga cho biết, trong tờ trình của Chính phủ cũng như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội có một vài băn khoăn về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở khoản 2, Điều 27 dự thảo luật.
Thừa nhận là người “ngoại đạo” trong lĩnh vực này, nên bà Nga đề nghị cho biết thêm, đặc điểm hiện nay về mặt pháp lý thì doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khác với doanh nghiệp khác ở điểm nào? Với việc cho phép loại doanh nghiệp này chào bán chứng khoán riêng lẻ thì mặt được là gì, rủi ro ra sao?
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đặc trưng của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là tiên phong đi đầu trong các lĩnh vực, đặc biệt là khoa học công nghệ. Doanh nghiệp này khác với với một cá nhân mở cửa hàng bán phở. Ở đây chỉ là khởi đầu của việc bán phở chứ không phải khởi nghiệp sáng tạo. Nhưng nếu mở doanh nghiệp có ứng dựng công nghệ thông tin như Grab thì được gọi là khởi nghiệp sáng tạo. Đặc điểm của doanh nghiệp này là đi vào lĩnh vực mới, dễ gặp rủi ro và khả năng thành công rất thấp.
Theo thống kê quốc tế, sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa đến 3%. Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo lại rất cần thiết cho một quốc gia, vì sự thành công của doanh nghiệp sáng tạo sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng rất lớn cho đất nước đó.
Chính vì vậy, các nước trên thế giới vẫn luôn khuyến khích những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, số tiền dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm và đi theo 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, là ươm mầm, tức là thời kỳ hình thành ý tưởng. Giai đoạn thứ 2 là bắt đầu hình thành sản phẩm. Giai đoạn thứ 3, là ra thị trường chứng khoán, bán ra ngoài thị trường cho xã hội.
Với câu hỏi, nếu doanh nghiệp này bán riêng lẻ thì có gặp phải rủi ro gì không? Ông Dũng thừa nhận, khi doanh nghiệp này chào bán sẽ rất rủi ro. Cho nên trong luật chứng khoán mới chỉ quy định chào bán riêng lẻ mà chưa chào bán ra công chúng. Chào bán riêng lẻ tức là chào bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tiếp đến là giai đoạn tổ chức thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hiện nay một số nước vẫn chưa đưa ra quy định về chào bán riêng lẻ cũng như tổ chức thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp vào luật chứng khoán. Tuy nhiên, đã có một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… lại tổ chức thị trường này cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Và đây là thị trường rất quan trọng trong việc huy động nguồn lực của xã hội để tiếp sức cho các ý tưởng sáng tạo.
Ban soạn thảo cũng đã cân nhắc và xin Quốc hội cho đưa vào một điều, là về nguyên tắc nên tổ chức thị trường này cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng giao cho Chính phủ hướng dẫn, vì đây là vấn đề mới và khó. Và ông Dũng khẳng định lại, chỉ đặt vấn đề phát hành riêng lẻ và sau này tổ chức thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chỉ cho giao dịch giữa các nhà đầu tư có tổ chức mà thôi.