Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt tới 6,9%
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách dự báo năm 2019 tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt tới 6,9%.
Tuy nhiên, cũng theo Viện này, rủi ro lạm phát vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ khi giá cả trên thị trường biến động thất thường, để có những phản ứng kịp thời trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
GDP càng tăng, luồng tiền chảy ra nước ngoài càng nhiều
00:04, 18/03/2019
GDP bình quân đầu người 18.000 USD vào 2030 không quá khó!
11:06, 13/03/2019
Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7% năm 2019
04:00, 11/02/2019
Standard Chartered: Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,9% năm 2019
01:30, 17/01/2019
Theo báo cáo này, Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,79% (yoy) trong Quý 1/2019, thấp hơn so với con số kỷ lục của năm 2018 (7,45%) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đó. Bên cạnh đó, tăng trưởng của các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đang ở mức khá. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Khu vực này xuất khẩu khoảng 41,46 tỷ USD trong Quý.
Báo cáo cũng phân tích, lạm phát bình quân quý 1/2019 tăng 2,63% chủ yếu do sự gia tăng của giá năng lượng. Về giá cả, lạm phát quý I mặc dù ở mức vừa phải nhưng có xu hướng tăng trước những điều chỉnh giá điện và xăng dầu gần đây. Tác động của các cú sốc này tới giá cả trong nước có thể kéo dài tới nhiều tháng tiếp theo nên đòi hỏi sự điều hành thận trọng từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.
Trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới lên xuống thất thường, cùng với việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu từ 01/01/2019, NHNN vẫn cần theo dõi rủi ro lạm phát trong thời gian tới để có những biện pháp ứng phó phù hợp. Lãi suất liên ngân hàng vì thế tăng rất mạnh, trước khi giảm dần sau Tết Nguyên đán nhưng vẫn đang ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 20/03, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,54% (yoy), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,9% (yoy).
Tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 375,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, tình hình doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh gây nên nhiều quan ngại. Quý I chứng kiến 14.761 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, cao hơn 20,8% so với năm trước. Có 15,3 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể và 4,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 23,9%). Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu và môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện.
Trong khi đó, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào FDI (vốn đầu tư nước ngoài) và xuất khẩu của khu vực này đạt 41,46 tỷ USD, chiếm tới 70,9% tổng kim ngạch.
Nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng, thế giới chứng kiến nhiều biến động trong Quý 1/2019. Mặc dù tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ở mức khá, nhưng kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn do cả những vấn đề nội tại lẫn căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu có nhiều bất ổn trước áp lực của đàm phán Brexit cũng như các chia rẽ khác trong nội khối. Tăng trưởng cao nhất vẫn thuộc về nhóm nước ASEAN. Tuy nhiên, việc các liên kết kinh tế lớn trên thế giới rạn nứt đã, đang và sẽ gây không ít những bất ổn cho nhóm các nước này, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động thương mại và toàn cầu hoá.
Dòng vốn từ Trung Quốc ngoài những tích cực đem lại cho việc làm và tăng trưởng, thì cũng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài. "Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các DN trong nước" - báo cáo của VEPR nhận định.