Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Khó “cán đích” nếu không giải quyết được gốc của vấn đề
Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2020 sẽ khó cán đích nếu các bên không thể hiện được sự quyết tâm và giải quyết những vấn đề gốc gác.
Cái gốc để hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận về đúng đích theo chỉ đạo của Thủ tướng, là ở khâu điều hành, tổ chức dự án một cách khoa học, giám sát khách quan và khả năng tài chính thật sự của nhà đầu tư. Do đó, các đề xuất về giải pháp tháo gỡ mà Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng tài trợ vốn và Nhà đầu tư… đã trình trước Thủ tướng trước đó phải chịu trách nhiệm, đồng lòng, chung sức và quyết tâm mới có thể thông tuyến vào năm 2020.
Phải củng cố niềm tin vào nhân dân!
Theo đó, triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số: 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT.
Ngày 20/4/2019, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, tổ chức hội nghị tháo gỡ tháo gỡ vướng mắc cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và thúc đẩy dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại tỉnh Bến Tre. Tham dự tại buổi hội nghị có các lãnh đạo Bộ GTVT, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, UBND tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Bạc Liêu, nhà thầu, đơn vị thi công… và các cơ quan thông tấn báo chí.Phát biểu tại hội nghị, đại Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, chia sẻ: Ở góc độ là nhà đầu tư, đây là một nhiệm vụ không phải quá khó nhưng cũng là một mục tiêu không phải dễ dàng thực hiện. Cụ thể mới đây, ngày 17/4, tại báo cáo của Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nhận định về hiện trạng dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cho thấy: mặc dù đã triển khai thi công 19/24 gói thầu và đạt trên 19,65% khối lượng xây lắp nhưng so với tháng 11/2018, tiến độ công việc không tiến triển bao nhiêu.
Trên thực tế, còn quá nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, nhất là về cơ chế tài chính, nguồn vốn thực hiện. Với những lý do trên, báo cáo nhận định: “Nếu nhà đầu tư và các cơ quan liên quan không tập trung, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì dự án sẽ không kịp tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.Song song đó cũng cần phải củng cố niềm tin vào nhân dân và xã hội".
Theo ông Mai Mạnh Hồng - Tổng Giám đôc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận: Trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019 và trên cơ sở Biên bản bàn giao ngày 22/3/2019 giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư đã gặp phải một số vướng mắc. Cụ thể:
Một là, liên quan đến vấn đề điều chỉnh dự án: Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án tăng Quy mô nhưng tổng mức đầu tư giảm không phù hợp (giảm 5.009 tỷ) do không áp dụng báo giá vật tư, vật liệu của tỉnh Tiền Giang theo hướng dẫn của Thông tư 06/2016/TT-BXD.
Hai là, về thẩm định dự toán các gói thầu xây lắp: Dự toán được lập trên cơ sở giá vật tư, vật liệu của Tỉnh ban hành, nên Cục QLXD&CLCTGT chưa thống nhất và chưa thẩm định chính thức để Nhà đầu tư phê duyệt chính thức.
Ba là, về quy định lựa chọn nhà thầu: Công ty BOT đã thực hiện theo quy chế lựa chọn Nhà thầu, tuy nhiên Bộ GTVT yêu cầu thực hiện theo các quy định của QĐ 4255. Mặc dù Quyết định 4255 đã huỷ bỏ nhưng nội dung Hợp đồng chưa được điều chỉnh.
Bốn là, triển khai thi công: Biện pháp tổ chức thi công không đồng bộ, thiếu các tuyến đường công vụ kết nối với dự án, chọn lựa vật tư và giải pháp thiết kế chưa phù hợp dẫn đến gặp nhiều khó khăn (dầm, vật liệu gia tải, kết cấu mặt đường,…).
Năm là, vốn vay tín dụng: Điều kiện giải ngân tín dụng phức tạp, khó đáp ứng, dẫn đến chưa thể giải ngân. Các nội dung vướng mắc này chưa được giải quyết.
Ngân hàng sẽ thu xếp vốn cho dư án
Liên quan đến vấn đề nguồn vốn tín dụng, ông Lê Duy Hải - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp (VietinBank), cho biết: Đối với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, VietinBank là ngân hàng đầu mối đứng ra thu xếp nguồn vốn cùng với một số ngân hàng khác với tổng số tiền khoảng 6.850 tỉ đồng và tổ chức lễ ký kết hợp đồng với Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 15/6/2018.
Hiện Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương đền bù tiền giải phóng mặt bằng với khoảng 96% và thi công một số hạng mục với vốn tự có khoảng hơn 2.000 tỉ đồng.
Công ty xác định một trong những giải pháp quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đó là vốn tín dụng, bình ổn giá nguyên vật liệu. Trong chương trình Hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại diện các đơn vị đầu tư đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác thúc đẩy dự án.
Cũng theo ông Hải, trong dự án này, với vai trò là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho dự án, VietinBank hy vọng rằng sau khi nhà đầu tư thu xếp lại việc tổ chức thi công, Vietinbank và các ngân hàng cam kết sẽ cùng nhau tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ dự án nhằm đảm bảo tiến độ mà Thủ tướng đã yêu cầu – ông Hải cam kết.
Trước đó, sau khi tái khởi động lần 2, dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.
Vướng mắc lớn nhất tại dự án này là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng. Bên cạnh đó, do những thay đổi của Luật quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại trạm TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được. Đồng thời, các vướng mắc khác là một trong sáu thành viên liên danh nhà thầu (Công ty Yên Khánh) liên quan đến nhiều vụ án hình sự…
Trả lời những bất cập nêu trên, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang thừa nhận, do thủ tục chuyển giao cơ quan quản lý với Bộ Giao thông Vận tải chưa hoàn chỉnh nên việc tiếp cận nguồn vốn chưa thực hiện được. Nếu số vốn 500 tỷ đồng (trong 2.180 tỷ đồng do nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư) không được giải ngân ngay sẽ gây rất nhiều khó khăn cho dự án.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thành lập tổ chuyên môn và đã làm việc với doanh nghiệp dự án, đi thực địa cùng khảo sát tuyến đường công vụ, hệ thống tập kết vật tư, vật liệu cũng như sớm hoàn thành đơn giá vật liệu hợp lý, hợp pháp. Bên cạnh đó UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã thống nhất kế hoạch tiến độ, rà soát đơn giá vật liệu, điều chỉnh tổng mức, phê duyệt lại dự án khả thi.
Đại diện UNBND tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, dự án đã giải tỏa 50 km đường, đạt 98% khối lượng, chỉ còn 590 m chưa bàn giao và tỉnh cam kết thực hiện quyết liệt trong thời gian tới để đảm bảo dự án về đích đúng tiến hẹn như chỉ đạo của Thủ tướng.