Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nên chậm lại!

Thy Hằng 30/04/2019 10:09

Để tránh gây sốc cho doanh nghiệp và người lao động, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của lao động cần tiến hành chậm để phù hợp với sự điều chỉnh của thị trường lao động.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần hai vừa được Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội trình Chính phủ đã đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu để Quốc hội xem xét cho ý kiến. Cả hai phương án đều bắt đầu được thực hiện từ tháng 1/2021.

Dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.

Dự luật Lao động sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.

Cụ thể, Phương án 1 là kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Còn theo Phương án 2, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Lý giải việc xác định mốc tuổi nghỉ hưu với nam là 62 và nữ là 60, tăng 2 năm với nam và 5 năm với nữ so với dự thảo trước, Ban soạn thảo cho biết, Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số, tỷ lệ số người phụ thuộc đang tăng lên (44,4% vào năm 2019). Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng (tuổi thọ bình quân của Nam là 72,1 tuổi, của Nữ là 81,3 tuổi và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi) .

Cùng với đó, so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ ở tuổi 60 khá cao. Cụ thể, Việt Nam có tuổi thọ ở tuổi 60 là 22,5 năm, trong khi tuổi nghỉ hưu bình quân theo quy định chỉ là 57, tuổi nghỉ hưu bình quân trên thực tế chỉ khoảng 53,5, trong khi Malaysia có tuổi thọ ở tuổi 60 là 19,5 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60; Thái Lan có tuổi thọ ở tuổi 60 là 21 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60.

Tuy nhiên, nhiều lần cho ý kiến về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, trong những nhóm ngành sản xuất, rất ít lao động có thể đạt đến độ tuổi nghỉ hưu như hiện hành chứ chưa nói đến mức khi đã tăng lên. 

“Trong ngành dệt may, đa số người lao động về hưu trước tuổi. Pháp luật cũng cho phép lao động ngành dệt may là lao động loại 4 nên có quyền về hưu trước 5 năm. Nhưng ngay cả khi về trước 5 năm, nhiều lao động cũng không đạt được”, ông Cẩm cho hay.

Lý giải thêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May cho rằng, ngành dệt may có những công đoạn đặc thù như nối chỉ, sợi, nên các lao động nữ từ 40 tuổi trở lên thị lực giảm dần, khó có thể đáp ứng yêu cầu của công việc. Do vậy, với những ngành như dệt may, da dày, điện tử, người lao động chỉ có thể trụ lại ở dây chuyền đến khi 35-40 tuổi. “Họ phải tự rời đi hoặc bị chủ sử dụng lao động tìm cách sa thải. Đây là điều khó tránh trong cơ chế thị trường như hiện nay”, đây là tác động thứ nhất ông Cẩm nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Vấn đề tuổi hưu và những khó khăn về nguồn nhân lực trong tương lai

    Vấn đề tuổi hưu và những khó khăn về nguồn nhân lực trong tương lai

    05:40, 22/07/2018

  • Tăng tuổi hưu có ảnh hưởng tới việc làm của người trẻ?

    Tăng tuổi hưu có ảnh hưởng tới việc làm của người trẻ?

    11:16, 16/07/2018

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói gì về tăng tuổi nghỉ hưu?

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói gì về tăng tuổi nghỉ hưu?

    22:58, 06/06/2018

  • Tăng tuổi nghỉ hưu sao cho hợp tình, hợp lý?

    Tăng tuổi nghỉ hưu sao cho hợp tình, hợp lý?

    05:35, 18/05/2018

Tác động thứ hai là lương hưu, “Khi lương hưu người công nhân đã không cao, nếu tăng tuổi nghỉ hưu kết hợp với chính sách về BHXH, thử hỏi họ còn được bao nhiêu đồng lương hưu”. Do đó, Hiệp hội Dệt may kiến nghị không tăng tuổi nghỉ hưu.

Đặc biệt, về lộ trình tăng từ 3-6 tháng mỗi năm, ban soạn thảo dẫn giải, trên thực tế, kinh nghiệm của các quốc gia đang điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và khuyến nghị của ILO đối với các nước điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải điều chỉnh dần dần để tránh gây sốc cho thị trường lao động. Lộ trình thường thấy ở các nước là 1 năm tăng 3 tháng hoặc một số nước quy định 1 năm tăng 6 tháng, một số nước tăng theo lộ trình thận trọng hơn như 1 năm tăng 1 tháng hoặc 1 năm tăng 2 tháng.

Việc điều chỉnh dần dần không chỉ cần thời gian cho người lao động và doanh nghiệp thích nghi mà còn cần cho thị trường lao động điều chỉnh. Việc tăng nhanh, đột ngột sẽ dẫn đến sự gia tăng đột ngột số người thất nghiệp, có thể gây bất ổn xã hội.

Trao đổi với DĐDN, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn “kép” giữa dân số vàng và già hoá, tuy nhiên việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét đánh giá kỹ tác động để đưa ra lộ trình.

“Đặc biệt với những lĩnh vực sản xuất trực tiếp, người lao động sử dụng nhiều sức lao động sẽ khó để duy trì sức lực đến độ tuổi 62 với nam và 60 với nữ. Do đó, cần đặc biệt chú ý phân tích tác động từ những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại lao động bị suy giảm khả năng trong quá trình lao động. Có thể cân nhắc giãn thời lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu với lao động khu vực này”, ông Huân phân tích.

Thy Hằng