“Kim chỉ nam” cho quá trình tăng năng suất

Thy Hằng 01/05/2019 05:15

Tăng năng suất nội ngành, nâng cấp chuỗi giá trị trong phát triển ngành, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân là hướng đi cho tăng năng suất.

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2018 hai quốc gia đứng thứ 2 và thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu dệt may là Ấn Độ và Bangladesh đều suy giảm.

Ở nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo

Năng suất ở nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ bằng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia, 1/3 của Indonesia và Philippines,1/2 của Ấn Độ và Thái Lan.

Năng suất “lẹt đẹt” ở nhóm ngành chủ lực 

“Họ là những quốc gia có tiền lương thấp hơn và lực lượng lao động đông hơn Việt Nam rất nhiều, Ấn Độ có 1,4 tỉ dân còn Bangladesh xấp xỉ 300 triệu dân. Do đó, nếu cạnh tranh bằng đơn giá lao động rẻ, thâm dụng lao động cao thì không thành công được. Đón đầu xu thế này, ngành dệt may đã chuẩn bị từ năm 2014, theo đó đầu tư vào công nghệ, sẽ không thâm dụng lao động nhiều nữa, hay nói cách khác là giảm tỉ lệ lao động, hoặc đơn giản hơn, kim ngạch xuất khẩu trên đầu người lao động sẽ tăng mạnh hơn”, ông Trường cho biết.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng làm được điều này. Vì đầu tư công nghệ yêu cầu doanh nghiệp phải đặt mình trước lựa chọn đầu tư chi phí lớn chính xác, có chiều sâu, không đầu tư dàn trải, thay thế các trang thiết bị tiêu tốn năng lượng và sử dụng nhiều lao động, bằng những trang thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm lao động hơn.

“Để đầu tư phát triển công nghệ, rất cần có những doanh nhân công nghệ dám dấn thân. Nhưng hiện nay, đầu tư cho công nghệ luôn đứng số 1 trong những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và rủi ro”, ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Trong khi đó, tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Đáng quan ngại hơn là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước là rất lớn.

“Nếu xét năng suất lao động theo các nhóm ngành kinh tế thì năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng là cao nhất, tiếp đến là nhóm ngành dịch vụ và thấp nhất là nhóm nông, lâm và thủy sản. Tuy nhiên, điều đáng buồn là năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng- nhóm ngành chủ lực của nền kinh tế lại có xu hướng chững lại từ khá sớm”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR nhấn mạnh.

Tương tự, tại nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, phân tích mới đây nhất từ dữ liệu Điều tra Doanh nghiệp của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia, 1/3 của Indonesia và Philippines,1/2 của Ấn Độ và Thái Lan và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015. 

Nói vậy để thấy, chính những nhóm ngành được xem là chủ lực của tăng trưởng kinh tế lại đang gặp rào cản về năng suất lao động, trong khi đó nguồn lực có hạn của doanh nghiệp cũng như trình độ, kỹ năng của người lao động lại chưa thể vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Có thể bạn quan tâm

  • “Chìa khoá” tăng năng suất lao động

    “Chìa khoá” tăng năng suất lao động

    14:30, 30/04/2019

  • “Chìa khóa vàng” nâng cao năng suất làm việc

    “Chìa khóa vàng” nâng cao năng suất làm việc

    04:06, 26/04/2019

  • Nâng cao năng suất lao động nhờ thúc đẩy bình đẳng giới

    Nâng cao năng suất lao động nhờ thúc đẩy bình đẳng giới

    00:10, 07/04/2019

  • Năng suất lao động thấp: Cần thêm một cuộc đổi mới

    Năng suất lao động thấp: Cần thêm một cuộc đổi mới

    11:00, 03/04/2019

Tăng trưởng dựa vào năng suất

Tuy nhiên, phương pháp luận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, với thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 3.000 USD vào năm 2020, theo phương pháp luận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào mà bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất.

“Các động lực tăng trưởng đã giúp Việt Nam đạt được kết quả cao trong giai đoạn kể từ khi đổi mới đến nay như tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ... đang tiến dần đến trần giới hạn. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp”, GS. TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Cùng với đó, nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành chủ chốt như công nghiệp chế biến chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm. 

Do đó, các chuyên gia cho rằng, nên ưu tiên nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo như một phần không thể thiếu trong các cải cách về đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và chính sách thu hút, sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cụ thể, Việt Nam cần chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI, đồng thời phát triển hệ sinh thái, chuyển dịch lên các mức cao hơn trong các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu.

Đặc biệt, việc đào tạo nhân lực cần được gắn với doanh nghiệp. “Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Người phương Tây từng ví von năng suất lao động là đôi cánh của một nền kinh tế, còn Karl Marx thì nói, năng suất lao động là nhân tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một chế độ xã hội. Xã hội này phát triển hơn xã hội khác là bởi họ biết tạo ra năng suất lao động cao hơn”, Chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định.

Thy Hằng