Khắc phục "điểm nghẽn" trong chuỗi liên kết ngành nông nghiệp
Các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất "mỏng", cần hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ đất, đưa doanh nghiệp vào HTX tạo chuỗi để hỗ trợ nông dân.
Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Tôi nhớ năm 2003, một vị lãnh đạo cấp khá cao thậm chí không dám đến thăm doanh nghiệp tư nhân vì sợ mang tiếng chệch hướng. Nhưng hôm nay chúng ta ở đây cùng nhau bàn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp", Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nói.
Tư nhân đầu tư rất "mỏng”
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, nông nghiệp là ngành cung cấp những sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất của người dân. Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Năm 2018, đạt mức cao kỷ lục hơn 40 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008, đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Điều đáng nói, tỷ trọng đóng góp trong GDP của nông nghiệp ngày càng giảm từ gần 40% những năm 1990, về dưới 15% tính đến hết 2018.
Nhìn lại thì các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này còn rất "mỏng". Trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. Ở Mỹ, một hộ có khoảng 500.000 ha chỉ có hai vợ chồng làm. Còn quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 - 3.000 m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh cao trong giai đoạn mới thì không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có sự liên kết vững chắc" ông Cao Đức Phát nói.
Có thể bạn quan tâm
Hàng nghìn doanh nghiệp "hiến kế" phát triển "bứt phá" kinh tế tư nhân
06:58, 02/05/2019
Ngành nông nghiệp “hạn hán” nhân lực
06:00, 01/05/2019
“Đỏ mắt” chờ nông nghiệp công nghệ cao
11:00, 25/04/2019
Nhân lực ngành nông nghiệp: Đầu vào "ế ẩm" nhưng doanh nghiệp “khát” người
09:11, 21/04/2019
Đưa doanh nghiệp vào hỗ trợ HTX
Trên thực tế, hiện chỉ có 11-14% sản lượng nông nghiệp thông qua liên kết là con số quá nhỏ, điều này cho thấy tiềm năng còn rất lớn so với hàng chục triệu ha nông nghiệp, và trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình liên kết trong nông nghiệp.
"Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng, đặc biệt là sản xuất theo quy chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường, người sản xuất mà không nhận thức được điều này thì sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, năng lực của hộ nông dân với quy mô quá nhỏ thường là liên kết không thành công. Nâng cao nhận thức của người nông dân và đẩy mạnh tích tụ quy mô để tăng giá trị là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp nước ta", ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nhận định.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch Công ty TNHH Nông nghiệp United nhận định, doanh nghiệp liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên quyền lợi của doanh nghiệp chưa được đảm bảo, các cam kết bị người nông dân bỏ qua khi “mất mùa được giá”.
“Cần có yêu cầu cụ thể cho chuỗi liên kết gồm những thành phần nào, cụ thể hoá thành viên và cơ chế, quyền lợi kèm theo, cần có cơ chế bảo vệ doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, khi thành chuỗi, phân bón phải được kiểm soát, có bộ phận xác định chất lượng phân bón để đảm bảo chất lượng sản phẩm", ông Dân nói.
Cùng với đó, việc liên kết của doanh nghiệp với người dân hiện thông qua các HTX. Tuy nhiên, đa số HTX chưa phát huy được vai trò tối đa trong liên kết sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng cần nâng cao năng lực của các HTX, thậm chí sửa đổi quy định nâng cao việc góp vốn của các doanh nghiệp vào HTX.
“Cần đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi sản phẩm chủ lực của địa phương. Bản thân các HTX phải đổi mới, nâng cao năng lực quản trị và trình độ trong quản trị, đáp ứng yêu cầu hội nhập", Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Dân cho rằng: “Cần nâng cao hoạt động của các HTX, cho doanh nghiệp tham gia góp vốn lớn hơn để chia sẻ kỹ thuật sản xuất cho người dân. Đồng thời, chú trọng đào tạo công nhân nông nghiệp vì thực tế có những kỹ sư nông nghiệp thiếu lăn lộn. Chúng ta có thể mở các lớp trung cấp nông nghiệp, chính quyền hỗ trợ người dân đi học chuyên về một loại cây, được cấp bằng lý thuyết, trực tiếp xuống đồng ruộng để thực hành, nếu đạt thì cấp bằng".
Trong khi đó đại diện tỉnh Cà Mau kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho các địa phương được thí điểm ứng dụng mô hình liên kết phù hợp từng địa phương.