Doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động tăng cao
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin như vậy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng
Có thể bạn quan tâm
Theo đó, trong tháng 4, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ - mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9%.
Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.
Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.
Vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%.
Xuất khẩu tiếp tục tăng khá, đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 23 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Xuất siêu 711 triệu USD.
Đời sống dân cư nhìn chung ổn định. Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện.
Bên cạnh những kết quả nói trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, trong nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn châu Phi bước đầu hạ nhiệt, tuy vậy giá thịt lợn vẫn giảm so với tháng trước; sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm; nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm công nghiệp chủ đạo tăng thấp hoặc giảm như linh kiện điện thoại giảm 24,6%, dầu thô khai thác giảm 8,3%...; dẫn tới sản xuất công nghiệp của nhiều địa phương giảm.
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 17.000 doanh nghiệp, tăng 19,7%; 5.300 doanh nghiệp giải thể, tăng 12,9%.
Tình hình vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước giảm 30,6% (Bộ Giao thông Vận tải giảm 57,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 56,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 29,1%...)
Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm do xuất khẩu của khối FDI tăng chậm so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm như điện thoại và linh kiện giảm 0,2%; thủy sản giảm 1,3%; cà phê giảm 22,6%; hạt điều giảm 16,9%; gạo giảm 21,7%; hạt tiêu giảm 12%...
Đặc biệt, thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều sự cố giao thông (xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đi ngược chiều trên cao tốc, sử dụng rượu bia, ma túy đá khi lái xe...). Đồng thời, một số vấn đề xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới như vấn đề y tế (bệnh sốt xuất huyết gia tăng, vấn đề quá tải bệnh viện); nợ đóng bảo hiểm xã hội; an ninh trật tự (buôn bán ma túy khối lượng lớn tăng mạnh trong thời gian qua trên khắp các tuyến biên giới, đã bắt nhiều vụ lớn nhất từ trước đến nay)…
"Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm và trong Quý II là rất nặng nề, đòi hỏi, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải có quyết tâm cao, tập trung thực hiện các kế hoạch; theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, phân tích kỹ xu hướng để đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới". - Bộ trưởng nói.