Chính phủ thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn

Minh Phượng 20/05/2019 17:42

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định Chính phủ luôn "kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng".

Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới "phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng". Theo đó, để thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, một trong những giải pháp thời gian tới đầu tiên là "kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng".

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình báo cáo trước Quốc hội sáng 20/5

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình báo cáo trước Quốc hội sáng 20/5

Sáng 20/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV khai mạc tại Hà Nội. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nói những tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. 

Có thể bạn quan tâm

  • “Đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân”

    05:00, 18/05/2019

  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân

    05:00, 17/05/2019

  • Chuyên gia kiến nghị nâng cao tỷ trọng kinh tế tư nhân tránh "nguy cơ tụt hậu"

    01:00, 14/05/2019

  • Thể chế đóng vai trò then chốt cho kinh tế tư nhân phát triển

    00:00, 08/05/2019

  • Kinh tế tư nhân: Năng lực và cơ hội

    05:00, 06/05/2019

Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo Chính phủ đề cập đến nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường.

Trong các nhóm giải pháp, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp có kế hoạch, giải pháp cụ thể tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại - coi đây là chìa khóa, là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển mạnh hạ tầng viễn thông, Internet băng thông rộng, sớm đưa vào hoạt động mạng di động 5G...

"Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế", Phó thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành; tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức; kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Theo đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về tài chính, tín dụng, thương mại, đầu tư, công tác quy hoạch, sử dụng các nguồn lực đất đai, tài nguyên, lao động… Các ngành, các cấp có kế hoạch, giải pháp cụ thể tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại - coi đây là chìa khóa, là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ và tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ cao, phát triển đa dạng dịch vụ tín dụng, ngân hàng. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; xử lý nghiêm những sai phạm. 

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa”.

"Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ. Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt" Chủ tịch nước nói.

Minh Phượng