ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Cần kiểm soát linh hoạt tỷ giá và xăng dầu

Nguyễn Việt thực hiện 21/05/2019 09:47

Thách thức lớn nhất hiện nay là kết cấu hạ tầng giao thông cũng như triển khai các dự án còn chậm so với kế hoạch. Nợ xấu ngân hàng có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, nợ xấu ngân hàng có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao... Ảnh: N.Việt

Đây là chia sẻ của ĐBQH Trần Hoàng Ngân bên lề hành lang Quốc hội về báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này:

Ông đánh giá như thế nào về  kinh tế - xã hội thời gian qua?

Trong báo cáo kinh tế - xã hội của của Chính phủ cho thấy, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất khả quan. Chúng ta đã hoàn thành 12 chỉ tiêu, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng 7,08%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2008 đến nay. Chúng ta cũng nhìn  nhận đến sự đóng góp của hệ thống ngân hàng. Như chúng ta nhìn thấy, dư nợ tín dụng của năm 2018 chỉ tăng 14%, thấp hơn năm 2017 - dư nợ tín dụng tăng 18%. Dư nợ tín dụng tăng thấp nhưng kinh tế lại tăng trưởng cao hơn. Điều này có nghĩa chất lượng trong vấn đề sử dụng vốn ngày càng được nâng cao và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa XIV: Lần đầu tiên áp dụng Quốc hội điện tử

    Kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa XIV: Lần đầu tiên áp dụng Quốc hội điện tử

    09:00, 20/05/2019

  • Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về thực hiện Luật Đất đai

    Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về thực hiện Luật Đất đai

    15:47, 17/05/2019

Ngoài ra, chúng ta đã cơ cấu khá thành công thị trường tài chính. Tức là đã nâng cao thêm một phần vai trò của thị trường vốn, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán ngày càng tăng lên, cho nên vốn hóa của thị trường chứng khoán hiện nay đã trên 70%GDP. Do đó, sẽ chia sẻ bớt một phần cung ứng vốn trung, dài hạn từ ngân hàng thương mại đến nền kinh tế. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội, thì quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng đạt được kết quả nhất định. Từ đó, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng nội bảng đã giảm xuống khoảng 2%, nợ xấu ngoại bảng cũng giảm so với trước đây. Từ đây, giúp cho tính an toàn trong hệ thống ngân hàng ngày càng tốt hơn, chi phí hoạt động ngân hàng theo hướng giảm, tạo điều kiện kiểm soát được lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những thách thức nội tại nền kinh tế, vậy những thách thức đó là gì, thưa ông?

Thách thức lớn nhất là kết cấu hạ tầng giao thông cũng như triển khai các dự án còn chậm so với kế hoạch. Nợ xấu ngân hàng theo hướng giảm nhưng vẫn có tỷ lệ cao. Diễn biến giá xăng dầu hiện nay rất khó lường sẽ tác động đến lạm phát trong nước. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải theo dõi và kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, còn có những diễn biến liên quan đến phá giá tiền tệ của các quốc gia, như vậy các quốc gia hiện nay đang đi theo hướng kéo giảm mặt bằng lãi xuất và theo hướng làm cho đồng tiền của mình yếu đi, tức theo hướng phá giá tiền tệ. Như vậy, việc phá giá đó sẽ tác động đến đồng tiền Việt Nam, do đó chúng ta phải kiểm soát một cách linh hoạt để tránh tác động từ bên ngoài và tỷ giá đối với lạm phát trong nước.

-Ông bình luận gì khi tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vẫn còn cao?

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có sinh và có tử. Tuy nhiên, số lượng đăng ký hoạt động theo hướng ngày càng tăng cao, cũng như số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động rất lớn. Nhưng cũng phải nhìn nhận số lượng doanh nghiệp bị đóng cửa, tạm ngừng hoạt động cũng tăng lên. Do đó, thời gian tới cần chú ý 2 yếu tố.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế một cách đồng bộ, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc gia ngày càng cao hơn. Nhìn vào chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cho chúng ta thấy, Việt Nam xếp hạng 77, trong đó vấn đề thể chế lại xếp thứ 94. Cho nên, kỳ họp này Quốc hội sẽ tập trung thời gian nhiều nhất để hoàn thiện hệ thống luật pháp.

Thứ hai, phải đảm bảo kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông vì đây là điểm nghẽn làm cho doanh nghiệp tăng chi phí sản xuất kinh doanh, trong đó có logistics.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện