Triết lý thêm lần lỡ hẹn trong “dòng chảy” giáo dục
Qua gần một năm rưỡi lấy ý kiến, Luật Giáo dục (sửa đổi) đang trên đường về đích, mặc dù vẫn còn một số ý kiến cần tiếp tục được thảo luận.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, những vấn đề cơ bản được chế định khá rõ ràng, chứa đựng tâm huyết của những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân. Song, dự luật dù kết tinh từ ý kiến nhân dân đi chăng nữa nhưng sự vận động của đời sống, trong đó vai trò của gia đình và xã hội chưa được nhận thức một cách đầy đủ nhằm đảm bảo sự kết nối thực chất với nhà trường để tạo nên hành lang an toàn, môi trường tốt nhất cho giáo dục. Luật này sẽ phát huy hiệu quả thế nào vẫn còn cơ hội lớn, sự kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội sẽ là điều kiện để hình thành năng lực cũng như phẩm cách đạo đức của một công dân và đây là nền tảng cốt lõi tạo nên phẩm cách quốc gia.
Tầm quan trọng được chế định cách đây…20 năm
Theo ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), tầm quan trọng của vấn đề trên đã được chế định từ cách đây 20 năm, nếu như trước đây quy định quyền của cha mẹ hoặc người giám hộ với 6 điều tại Chương VI nhưng lần trình này đã chuyển từ quyền sang trách nhiệm. Đó là kết quả của sự vận động tư duy tự chủ được hưởng, được làm, được đòi hỏi chuyển sang trách nhiệm, phải làm tròn từ các bậc phụ huynh nhằm giải toả bớt áp lực lên nhà trường cùng với nhà trường chịu trách nhiệm về kết quả học tập của con em mình.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu quốc hội đề xuất có thể bỏ thi Trung học phổ thông
11:22, 21/05/2019
Kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa XIV: Lần đầu tiên áp dụng Quốc hội điện tử
09:00, 20/05/2019
“Mặc dù những chế định về trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong dự luật lần này, có thể nói là cơ bản xong tâm thế cũng như sự vận động của gia đình, xã hội thì thời gian qua có toàn tâm toàn ý đối với giáo dục hay chưa? Dường như ai cũng có thể nhận thấy khi những tiêu cực trong thi cử ở một số nơi bị phát hiện điều tra, xử lý đã đặt giáo dục vào tâm điểm của dư luận suốt thời gian dài và chưa dừng lại”, ông Nhân băn khoăn.
Một chiều hướng khác, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong vụ việc trên cũng cần phải suy xét đến tận cùng gốc rễ của vấn đề, sai của người lớn từ trong gia đình đến xã hội không chỉ là một hệ lụy quá lớn cho giáo dục, còn góp phần nhào nặn nên nhân cách của con em mình, sẽ đau xót và thậm chí phẫn nộ khi nhắc lại vấn đề này. Nhưng để thấy trách nhiệm của gia đình là cha, mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho con em hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc theo quy định.
Tuy nhiên, việc đó lại đi theo một cách thức phi giáo dục. Như vậy, gia đình ở khía cạnh này có phải là thành trì bảo vệ các em khỏi cái xấu trong xã hội hay là nơi khởi phát những giá trị lệch lạc trong nhân cách của các em. Có thể những vụ việc trên là thiểu số, tuy nhiên cùng với nó hiện nay nhiều gia đình vẫn khoán trắng trách nhiệm giáo dục cho nhà trường trong khi chưa chú trọng việc tu thân, tề gia xây dựng và gìn giữ nề nếp cư xử giữa các thành viên trong gia đình. “Do đó, những hành xử thiếu quy chuẩn của trẻ rất bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung”, ông Nhân nói.
Xét về khía cạnh xã hội chúng ta đã thực sự xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến người học mà Luật Giáo dục đầu tiên ban hành đến nay là 20 năm, chỉ định về trách nhiệm đó hoàn thành sứ mệnh hay chưa. Hay ở 1 góc độ nào đó có những diễn biến phức tạp hơn, sức đề kháng của trẻ em với thói hư tật xấu còn yếu ớt trong khi những hành xử lệch chuẩn giữ con người với nhau trong các mối quan hệ xảy ra hàng ngày hàng giờ trong mỗi ngóc ngách và xảy ra trong chính ngôi nhà của các em.
Chưa thấy triết lý giáo dục, nhưng lại có sự cụ thể hóa
Một câu hỏi đặt ra là vì sao sự nảy nở ngày càng nhiều gia đình văn hóa nhưng những hành vi lệch chuẩn, phi giáo dục lại có thể có cơ hội bén rễ trong đời sống. Điều đáng nói là tỷ trọng các hành vi lệch chuẩn và nghĩa cử cao đẹp trong xã hội trên các phương tiện thông tin truyền thông hiện nay theo nhiều cử chi có vẻ lệch sang chiều tiêu cực.
Trong khi đó những việc tốt, những con người tốt lẽ ra phải được lan tỏa nhiều hơn trong đời sống xã hội nhằm giáo dục nêu gương cho mọi người và nhất là trẻ em. Bệ đỡ từ gia đình và xã hội chưa thể hiện hết trách nhiệm thì một mình nhà trường không đủ sức gồng gánh cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực vốn được xem là nền tảng phẩm cách của một quốc gia.
Luật Giáo dục hiện nay được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XI, tròn 15 năm, nay xã hội chuẩn bị đón một Luật Giáo dục mới với kỳ vọng mang đầy đủ tâm nguyện của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những kết tinh được cô đọng lại trong từng điều khoản của dự luật không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý mà còn là nhận thức và trách nhiệm của gia đình, sự vận động của xã hội.
Hạn định thịnh vượng đến năm 2045 có đạt được hay không tùy thuộc và tâm thế của ta dành cho giáo dục.Tất nhiên không thể chỉ trông chờ vào dự luật này. Mục tiêu đã có, phương pháp cũng nhiều, sứ mệnh là vậy nhưng dường như còn thiếu một điều tạo nên hướng đi minh định và không gì khác hơn đó là triết lý giáo dục.
Thế nhưng, nếu giải trình cho rằng triết lý giáo dục đã được thể hiện trong quan điểm mục tiêu, phương pháp giáo dục của dự luật thì vì sao các viện, trường đại học hàng đầu lại chưa thể cô đọng cho thành một triết lý giáo dục Việt Nam. “Tôi chưa hề yêu cầu phải có một điều khoản riêng về triết lý giáo dục trong dự luật này. Điều chúng tôi mong mỏi xã hội hẳn phải định hình rõ một triết lý giáo dục để từ đó đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục trong dự luật sẽ đi theo tinh thần triết lý đó”, ông Nhân chia sẻ.
Nhiều học giả đã khẳng định mục tiêu, phương pháp giáo dục không phải là triết lý giáo dục chỉ là hai trong bốn trụ cột để cụ thể hóa triết lý. Trong công trình nghiên cứu của mình, GS.TSKH Trần Ngọc Thiêm cho biết, cấu trúc phổ biến của khái niệm triết lý giáo dục gồm năm thành tố, trong đó sứ mệnh giáo dục là thành tố gốc, mục tiêu giáo dục là thành phố trung tâm, cốt lõi, trực tiếp chi phối ba thành tố còn lại là nội dung, phương pháp và nguyên lý giáo dục.
Có thể thấy, năm thành tố trung tâm mà GS Thiêm nêu là sự cụ thể hoá triết lý giáo dục. Như vậy, sự khái quát hoá triết lý giáo dục chưa thấy đâu nhưng lại có sự cụ thể hóa, nhiều người cho rằng thể hiện trong dự luật thì đây có phải là một sự gượng ép và bất cập. Chưa bao giờ xã hội có dịp bàn sâu và toàn diện về sự nghiệp trồng người như vậy, nhưng đến nay triết lý thêm một lần nữa lỡ hẹn trong dòng chảy của giáo dục, xã hội và mọi người vẫn sẽ tiếp tục tất bật học hành.
Nhưng sự học đó chưa đồng nghĩa làm nên những suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân đối với thịnh vượng của quốc gia, dân tộc. Bởi vì̀ những giá trị phổ quát nhất còn mang tính liệt kê, dàn trải không phải là sự chắt lọc nên phẩm cách và triết lý giáo dục của quốc gia.