ĐBQH Bùi Văn Phương: Ngành giáo dục cần xóa tư duy cái gì cũng sợ!
Nếu chúng ta cứ theo cách học thế nào cũng được lên lớp, rèn luyện thế nào cũng được tốt nghiệp thì con em chúng ta sẽ ảo tưởng về năng lực của mình và rồi tương lai xã hội sẽ ra sao?
Đây là chia sẻ của ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tại phiên thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 21/5. Ông Phương cho rằng, chúng ta có thể thấy những mặt xấu của xã hội, của con em chúng ta, liệu chúng ta đổ lỗi cho mặt trái của cơ chế thị trường, cho mạng xã hội không, nhưng lại không thấy phương pháp, nhận thức về giáo dục.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu quốc hội đề xuất có thể bỏ thi Trung học phổ thông
11:22, 21/05/2019
Kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa XIV: Lần đầu tiên áp dụng Quốc hội điện tử
09:00, 20/05/2019
Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về thực hiện Luật Đất đai
15:47, 17/05/2019
“Phải chăng đổi mới là cứ phải làm khác cũ. Chúng ta ngược lại xem cha ông ngày xưa giáo dục thế nào, chọn thầy hay chữ, hay dữ đòn, thầy phải giỏi và nghiêm khắc. Thế hệ chúng tôi thời phổ thông đi học, nếu có bị lưu ban là chuyện bình thường, có bạn lưu ban 2, 3 năm, tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 tỷ lệ thấp là chuyện bình thường. Trường tôi năm 1977 chỉ có 40% đỗ tốt nghiệp và nhiều trường cũng chỉ 60%, 70%, cao là 80% đỗ tốt nghiệp, mọi chuyện vẫn bình thường”, ông Phương chia sẻ.
Vẫn theo ông Phương, các thầy cô trách phạt học sinh nhưng học sinh và thầy cô vẫn tình cảm, vẫn yêu thương vì trách phạt của thầy cô là đúng. Nhiều người bây giờ làm ông bà, làm cha me, làm lãnh đạo quay lại thời học sinh có nhiều điều thấy sự trách phạt của thầy cô chính là những bài học cho chúng ta hôm nay.
"Còn bây giờ thì sao, cái gì cũng sợ, sợ đánh giá bằng điểm, điểm thấp thì các cháu buồn, rồi đổi mới bằng việc đánh giá không cần dùng điểm, cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương. Thầy cô bây giờ không dám động gì, không nghiêm khắc với học sinh, sợ xã hội”, ông Phương thẳng thắn.
Ông Phương băn khoăn về giáo dục, và đặt câu hỏi phải chăng nền giáo dục trước những năm 1980 là không tốt hay sao, bây giờ buộc phải lên lớp và đỗ hết, liệu tỷ lệ 100% khá giỏi có đáng mừng hay không. Vì vậy, ông Phương đề nghị quy định về độ tuổi vào lớp 1 không dưới 6 tuổi, lớp 6 không dưới 11 tuổi và lớp 10 không dưới 15 tuổi.
Ông Phương lý giải, việc trên tuổi là việc bình thường, vì việc học là suốt đời. Trong luật quy định một loạt tại các khoản tiếp theo là thiếu sót. Các cháu vì phát triển trí tuệ, trí não sớm thì đó là trường hợp đặc biệt, sẽ có quy định riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Tôi rất tiếc là cuộc vận động "hai 0" một thời chúng ta làm, nói không với bệnh thành tích, nói không với tiêu cực. Khi làm thật thì tỉ lệ tốt nghiệp không cao như chúng ta vẫn thường mong. Một, hai năm liền tỉ lệ tốt nghiệp không cao, bị áp lực, bị sức ép. Tôi rất tiếc cuộc vận động lại không thực hiện nữa”, ông Phương bày tỏ.
Vẫn theo ông Phương, nếu cứ tiếp tục tình trạng kéo dài thế này thì không biết tương lai con em chúng ta sẽ như thế nào. Nếu con em chúng ta nhận thức, ảo tưởng về bản thân mình với chính sách giáo dục của nước ta hiện nay, đánh giá, xếp loại, chuyển lớp, chuyển cấp như vậy thì sẽ ra sao.“Cho nên tôi đề nghị là không đặt ra quy định thế nào là con nhà nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật… mà chỉ cần không dưới tuổi đó là được”, ông Phương nói.