Bộ trưởng Tài chính lý giải nguyên tắc thanh toán hợp đồng BT

Hồng Hương 31/05/2019 14:20

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư BT có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT.

Phát biểu tại Nghị trường sáng nay (31/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác chống thất thu thuế đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua các cuộc thanh tra thuế năm 2018, cơ quan thuế đã thu hồi cho nhà nước gần 19.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: thực tế cho thấy việc xác định giá đất trong thời gian vừa qua chưa đạt yêu cầu của nguyên tắc thanh toán hợp đồng BT.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Dũng, dù nền kinh tế khởi sắc nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, giải thể trong khi đó các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là ở quy mô vừa và nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ nút thắt cho dự án BT

    11:00, 14/05/2019

  • Minh bạch và không hồi tố dự án BT

    09:58, 17/04/2019

  • Thủ tướng "gỡ vướng" về thanh toán các dự án BT

    18:03, 11/04/2019

  • TP HCM siết chặt quản lý các dự án BT

    11:30, 11/03/2019

  • Chốt lịch ban hành Nghị định về thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT

    11:45, 16/05/2019

Đề cập đến thanh toán BT, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, việc ban hành nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đặt ra yêu cầu xử lý hài hoà lợi ích nhà nước và nhà đầu tư, đồng thời khắc phục tồn tại hạn chế, tiêu cực trong thời gian qua.

“Chính phủ đã xem xét lỹ lưỡng và cân nhắc thận trọng nhiều mặt để vừa đảm bảo mục tiêu chặt chẽ đúng pháp luật vừa đảm bảo không hồi tố, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh”, ông Dũng thông tin.

Người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh đến một số nguyên tắc trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư trong hợp đồng BT.

Thứ nhất là phải đảm bảo ngang giá. Nguyên tắc này đã được đề cập trong luật quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, trên thực tế, một số hợp đồng BT đã được ký trước ngày luật có hiệu lực thi hành, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư BT có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT. Đây là một khó khăn rất lớn đòi hỏi phải xử lý phù hợp để quy định vào nghị định.

Thứ hai là việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Đầu tư thì giá trị của dự án BT và việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu. Theo pháp luật về đất đai thì việc giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản phải thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư BT nếu thực hiện đấu giá là không khả thi vì khi đấu thầu dự án BT thì nhà nước đóng vai trò là bên mua và nhà đầu tư đóng vai trò là bên bán, còn khi đấu giá tài sản công thì nhà nước lại đóng vai trò là bên bán còn nhà đầu tư đóng vai trò là bên mua. Pháp luật hiện hành không có quy định đồng thời vừa đấu thầu vừa đấu giá, bán cùng một giá.

Thứ ba là giá đất để xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, xác định theo giá thị trường. “Thực tế cho thấy việc xác định giá đất trong thời gian vừa qua chưa đạt yêu cầu của nguyên tắc này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Báo cáo của Quốc hội về việc thực hiện các dự án BT cho biết, hiện có 22 tỉnh, thành phố thực hiện các dự án theo hình thức BT. Hầu hết các dự án BT đều chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai, dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước. Trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong các dự án BT, gây thất thoát lớn. Kết quả kiểm toán 7 dự án BT (xây dựng - chuyển giao), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ, dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Hồng Hương