Giám sát doanh nghiệp nhà nước
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn giữ vị thế độc quyền điều tiết và dẫn dắt nền kinh tế và hệ luỵ là người dân bị ảnh hưởng quyền lợi.
Do vậy, để khu vực này nâng cao hiệu quả hoạt động cần có chế tài để quản lý và giám sát tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế...Hiện Việt Nam có 70 tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước đang nắm giữ vai trò quan trọng nhất của nền kinh tế với đóng góp khoảng 27-28% GDP và 24% tổng cân đối nguồn thu ngân sách.
Cần phá vỡ thế độc quyền khu vực DNNN
Khu vực DNNN cũng đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng; trong đó, có 91% ngành điện, 80% ngành thông tin truyền thông, 79% là ngành khai khoáng, 57% ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Có thể bạn quan tâm
Động lực mới cho cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
11:56, 16/02/2019
Doanh nghiệp nhà nước: Những cơ thể khổng lồ… yếu ớt!
09:02, 14/04/2019
Doanh nghiệp nhà nước trước sứ mệnh mới
05:00, 10/02/2019
Tạo "bứt phá" trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2019
17:04, 30/01/2019
Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
00:00, 30/01/2019
Tuy nhiên, phải nói rằng khu vực này hoạt động chưa hiệu quả, so với khu vực kinh tế tư nhân. Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của các DNNN là hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu của các DNNN chỉ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng.
Hiện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2017 là 1,23 lần, trong đó có 25 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
Do vậy, cần phải thận trọng khi để các tập đoàn kinh tế Nhà nước trở thành công cụ dẫn dắt, chi phối và điều tiết nền kinh tế bởi nguy cơ rủi ro nếu thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.
Cạnh tranh và cơ chế thị trường là nền tảng cho các tập đoàn kinh tế phát triển. Theo đó, để phá vỡ thế độc quyền, cần để các tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện đang hoạt động song song cạnh tranh bình đẳng cùng với các doanh nghiệp của khu vực tư nhân. Điều này khiến cho cả người dân và nền kinh tế đều được hưởng lợi, trước hết là về chất lượng, dịch vụ và giá cả.
Đặc biệt, phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu toàn diện và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành nhằm đa dạng hóa sở hữu tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Bên cạnh đó, không nên ban hành chính sách riêng cho tập đoàn kinh tế hay nhóm các công ty mẹ - con như đấu thầu nội bộ, chỉ định thầu…., vì điều này là không phù hợp với thông lệ. Và thực tế đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam hay các dự án “đắp chiếu”, thất thoát, thua lỗ của khu vực DNNN như thời gian qua.
Đưa công cụ quản trị vào giám sát
Hiện nay, do chưa có một văn bản quy định chung về vấn đề giám sát đối với DNNN, nên trong thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng có cách hiểu không thống nhất về khái niệm giám sát đối với DNNN. Nghị định số 81/2015/NĐ-CP yêu cầu DNNN công khai, minh bạch, nhưng nhiều DNNN không công bố thông tin mà không chịu trách nhiệm gì. Tại Nghị định cũng quy định rất rõ, đối với các DNNN chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin, xử lý trách nhiệm DNNN và người quản lý doanh nghiệp vi phạm quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản DNNN.
Theo đó, hoạt động giám sát DNNN phải là hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục nhằm giúp chủ sở hữu, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm bắt một cách kịp thời, chính xác và trung thực về tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp. Từ đó áp dụng các biện pháp quản lý, điều hành cho phù hợp và hạn chế sự can thiệp trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm giám sát theo hướng gắn chặt với thẩm quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc chủ sở hữu phần vốn góp tại doanh nghiệp.
Nội dung giám sát tập trung cả vào việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp. Hình thức giám sát phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp và tỷ lệ vốn chủ sở hữu Nhà nước.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp cấp 1 mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chủ sở hữu thực hiện giám sát thông qua các hình thức, xem xét, tổng hợp, đánh giá báo cáo tự giám sát của doanh nghiệp, của kiểm soát viên; tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến doanh nghiệp...
Đối với doanh nghiệp cấp 1 mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, chủ sở hữu thực hiện giám sát thông qua báo cáo của người đại diện tại doanh nghiệp và các hình thức giám sát như tổng hợp các kiến nghị, đánh giá, các kết luận kiểm tra, thanh tra; báo cáo giám sát, kiểm toán...
Có thể nói, kết quả của hoạt động giám sát là cơ sở giúp chủ sở hữu và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm bắt, đánh giá đúng về thực trạng của doanh nghiệp để có những biện pháp giải quyết, chấn chỉnh kịp thời, giúp DNNN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc hoàn thành các nhiệm vụ, kiểm soát được tình trạng độc quyền và cạnh tranh không bình đẳng…